Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Huyền chip - Hiện tượng mới giới trẻ Việt Nam

Gấn đây, mọi người nhất là giới trẻ đang rộ lên hiện tượng của Huyền Chip, mình cũng xin giới thiệu một số hoạt động của cô. Có thể nói, Huyền Chip đang là cơn sốt hiện nay.

(TNO) "Ở đâu cũng có thể tìm được việc làm, khó khăn không phải để tránh", với ý nghĩ đó, cô gái nickname Huyền Chip đã đi vòng quanh thế giới từ năm 20 tuổi, chỉ với 700 USD trong tay.
Đi "bừa" đến 25 quốc gia
Sau 2 năm đặt chân lên nhiều quốc gia trên thế giới như Brunei, Malaysia, Ấn Độ, Nepal, Israel, Ai Cập, Ethiopia, Kenya…, cô gái sinh năm 1990, mang tên Nguyễn Thị Khánh Huyền (quê Nam Định) đã trở về lại Việt Nam, sống và làm việc tại TP.HCM như một chặng dừng chân.
Thật khó để Huyền chia sẻ về bản thân, nhưng gợi về những vùng đất đã đi qua, Huyền thoải mái trò chuyện vì mong muốn kinh nghiệm của mình có thể giúp ích các bạn trẻ khác có ước mơ vòng quanh thế giới .
Gặp Huyền đời thường với giày cao gót, đầm hoa, tóc xõa yêu kiều, không ai nghĩ cô gái nhỏ nhắn này một mình xách ba lô bôn ba xứ người, chỉ với 700 USD trong tay. 
Nói về sự chuẩn bị trước hành trình, Huyền mỉm cười: “Đi bừa thế thôi. Không cần chuẩn bị gì đâu”.  
 Huyền bên các em nhỏ ở một trại trẻ mồ côi ở Awassa, Ethiopia - Ảnh do nhân vật cung cấp
Điểm dừng chân ban đầu là Malaysia. Huyền nhanh chóng kiếm được việc làm và tích góp 1.500 USD. Với số tiền này, cô mua ngay một chiếc máy ảnh, một netbook giá rẻ. Còn lại 700 USD, Huyền khởi hành tiếp sang Brunei vào tháng 5.2010.



“Chỉ tính qua Brunei chơi rồi quay lại Malaysia nên mình mua vé khứ hồi. Nhưng không ngờ khi qua đó, mình lại quyết định đi sang một nước khác. Thế mà đã 2 năm”, Huyền kể. 
Vật dụng trong ba lô lúc ấy của Huyền chỉ là vài bộ quần áo, đồ dùng cá nhân.
“Có khi cũng chả cần gì. Áo quần cũng chỉ cần 2 - 3 bộ, thiếu thì mua. Mà hết tiền mua áo quần thì khỏi thay đồ luôn”, Huyền nói tỉnh bơ khi được hỏi về hành lý cô mang theo trong chuyến hành trình dài ngày của mình.
Chuyến đi siêu rẻ
Không có nhiều tiền, Huyền chọn đi du lịch theo cách của mình với giá thấp nhất.
Cô lên trang mạng xã hội tìm người cho ngủ ké, tìm bạn bè cho ở nhờ. Phương tiện di chuyển của Huyền hầu hết là phương tiện ít tốn kém như tàu, xe buýt. Phần nhiều cô đi bộ, thậm chí xin quá giang… Huyền cho biết chỉ thuê nhà nghỉ, đi taxi, máy bay khi thật sự cần thiết.  
 Ở sa mạc Negev, Israel - Ảnh do nhân vật cung cấp
Sang đến Brunei, xe buýt thì hiếm hoi, taxi không nhiều, giá cả lại đắt đỏ, Huyền đã chọn cách di chuyển khả thi nhất là cuốc bộ giữa trời nắng gay gắt.
“Không biết bao nhiêu lần Huyền ngủ luôn ngoài đường. Chỉ cần mang theo lều cá nhân, dựng lên, thế là ngủ”, Huyền lý giải thêm về chuyến đi “siêu rẻ” của mình.  


 Tham gia một lễ hội của bộ tộc Banna, Ethiopia - Ảnh do nhân vật cung cấp
Huyền cho biết nhiều bạn trẻ khi đi du lịch "bụi" sợ sẽ gặp rủi ro, nguy hiểm, bị bắt cóc… Nhưng khi đi nhiều, cái gì không biết thì mạnh dạn khám phá, rồi mới thấy rất thú vị.
Cô cho rằng những rủi ro gặp trên đường là khó tránh khỏi. Đã quyết định đi du lịch "bụi" là phải học cách đối mặt với chúng, để khi nó xảy ra sẽ không thấy sợ hãi.
Huyền kể trong 2 năm qua, cô từng bị 6 người đàn ông bắt lại, lấy hết máy ảnh, đồ đạc và tiền. Với cô, những vật dụng đó được xác định "của đi thay người" nên không tiếc, chỉ tiếc nhiều hình ảnh trong chuyến đi không còn.
Vòng quanh thế giới kiểu “du kích”
Cũng vì không có nhiều tiền như kiểu du lịch của những người khác, Huyền quyết định du lịch kiểu “du kích”. Có nghĩa là khi đặt chân đến đâu, cô đi làm thêm ở đó một thời gian, dành dụm tiền rồi lại đi tiếp.   “Những chuyến đi giúp tôi dần nhận ra những cơ hội và thách thức mình đang phải đối mặt. Tôi hiểu rõ bảnthân mình hơn, tìm lại được đam mê của mình. Tôi ước gì tất cả bạn trẻ Việt Namđều có cơ hội như thế” Huyền Chip chia sẻ trong Nhật ký: Xách ba lô lên và đi
Khi sang đến Ấn Độ, Huyền dự định chỉ ở đây vài ngày rồi sang nước khác. Thế nhưng trong túi lúc này không còn tiền để đi tiếp, cô phải ở đây làm việc thêm 4 tháng, và là chặng dừng chân lâu nhất trong suốt hành trình.


Ở Ấn Độ, cô tham gia phục vụ trong các sự kiện điện ảnh.
Ở Nepal, mức lương khi đi làm quá thấp, không đủ chi trả cuộc sống, cô tự mình tổ chức sự kiện rồi kiếm tiền từ đó. Người ta bắt gặp cô ở những câu lạc bộ, quán ăn, hay hè phố phát tờ rơi, thư mời…
Chia sẻ về cách tìm việc làm ở những miền đất xa lạ, Huyền cho rằng ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam, người ta có thể kiếm ra việc nhờ nguồn tin trên internet.
“Bạn cứ chủ động đi tìm, rồi sẽ có. Nếu không tìm được việc thì mình tự tạo việc”, Huyền nói thêm.
Mặc dù không có bằng cấp đại học, nhưng Huyền cho biết cô có thể viết bài, dịch bài tiếng Anh, Việt, Tây Ban Nha; dạy tiếng Anh và Việt; sử dụng thành thạo công cụ social media; phục vụ bàn… và làm tất cả những gì hợp pháp.  


 Ngồi trước nhà của đứa trẻ bộ tộc Banna - Ảnh do nhân vật cung cấp
Là học sinh chuyên toán Trường THPT Khoa học tự nhiên Hà Nội (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), Huyền tham gia viết bài, dịch sách từ khi chưa đầy 15 tuổi. Sau khi tốt nghiệp THPT, Huyền thực tập một thời gian ngắn ở Singapore, và chuyển sang Malaysia từ năm 19 tuổi.
Chia sẻ về khả năng ngoại ngữ của mình, Huyền cho biết khi ở Việt Nam, cô tự học là chính. Cô cũng tranh thủ tìm bạn bè nước ngoài để luyện thêm. Với Huyền, đi làm ở xứ người cũng là cách bạn học được nhiều và nhanh nhất.
Hiện tại, Huyền đang làm công việc truyền thông ở một công ty tại TP.HCM. Cô dự định sẽ còn đi và đi nhiều hơn. Đất nước Huyền dự định đến sắp tới là Nam Phi.
Để giúp nhiều bạn trẻ Việt Nam có những kinh nghiệm khi đi ra nước ngoài, nhất là khâu xin visa , Huyền dự định viết một cuốn hướng dẫn du lịch như Lonely Planet dành cho người Việt. Quyển sách mà cô ấp ủ có tên là Nhật ký: Xách ba lô lên và đi, hiện đã xuất hiện trên facebook cá nhân, được nhiều bạn trẻ quan tâm.  

“6 giờ sáng, bầu trời Brunei xanh xanh ngắt, mà lòng tôi buồn buồn xắt. Tôi ngồi một mình trước cổng siêu thị vắng tanh vắng ngắt, không có nơi nào để đi, không có ai để nhờ giúp đỡ, cũng không có điện thoại để liên lạc với ai. 3 người đầu tiên tôi gặp ở Brunei, 1 người cho tôi leo cây, 1 người đá tôi ra khỏi nhà, 1 người đối xử với tôi như người lao động nhập cư. Tôi không khóc mà nước mắt cứ chực trào ra.
Thế này mà đòi đi vòng quanh thế giới à? Mới có qua ngày đầu tiên tôi đã thảm hại thế này rồi à? Còn sớm quá chẳng thể làm được gì, tôi lấy cuốn sách mình mang theo ra đọc. Tôi chẳng nhớ là lúc đấy tôi đọc gì, nhưng nó làm cho tôi phấn chấn hơn rất nhiều. "Không thể ngồi đây ăn vạ mãi được", tôi tự nhủ. Tôi quyết định gạt lòng tự ái của mình sang một bên, đến cây điện thoại công cộng…”.
(Trích Nhật ký: Xách ba lô lên và đi, bài Không khóc ở Brunei của Huyền Chip)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét