Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Tôi làm mẹ ở tuổi 16

Đang học lớp 10, tôi có bầu với người yêu nên đành ngậm ngùi theo anh lang bạt khắp nơi.   

Đang học dở lớp 10 ở quê, tôi đã trót mang thai nên phải bỏ trốn cùng anh lên thành phố, rời ngôi làng thân thuộc bao năm gắn bó. Ngày ấy, ở làng tôi vẫn còn vô cùng phong kiến và kì thị ghê gớm đối với con gái mang bầu trước. Đã thế, nhà anh còn rất nghèo, bố mẹ anh mất sớm, anh lớn lên trong đói khổ thì tiền đâu mà cưới tôi. Hai chúng tôi thuộc về nhau, tôi vẫn tự tâm niệm như thế và tôi đã quyết định cùng anh đến xứ người lập nghiệp.
Trình độ không có, tiền bạc thì không, hai chúng tôi sống vất vưởng kiếm tiền bằng bất cứ nghề gì để có thể để nuôi hai miệng ăn và sắp sửa chào đón một thiên thần bé nhỏ ra đời. Cuộc sống với túp lều tranh và hai trái tim vàng chắc chẳng thể nào có được ở xã hội hiện đại này nữa. Vậy mà tôi và anh đang phấn đấu để thoát khỏi cái đói luôn rình rập mỗi ngày.
Khi đứa con được sinh ra, tôi không thể đi làm mà phải ở nhà trông con. Mẹ con tôi ngóng chờ anh từng giây, từng phút anh đi kiếm miếng cơm về. Thương anh vai áo bạc màu, nhiều lúc tôi chỉ muốn bật khóc và kêu ông trời tại sao chúng tôi lại khổ như thế này? Không có khả năng để thuê nhà, chúng tôi làm liều đóng một con thuyền nan mỏng manh chỉ đủ để che nắng mưa ở ven sông Hồng sống qua ngày.
Sống ở đó, tôi thấy mình là con người cùng cực của xã hội rồi, chắc chẳng còn mấy người phụ nữ phải sống khổ sở như vậy nữa. Chúng tôi lấy một ít đất ven sông trồng rau, đủ nuôi miệng ăn của ba con người sống trơ trọi giữa lau, nước quanh năm.
Toàn bộ cuộc sống sinh hoạt của hai vợ chồng và đứa con nhỏ phải nhờ vào dòng sông yêu dấu này. Trộm vía, con gái tôi thích nghi được với hoàn cảnh nghèo khó, và nó cũng như biết thân biết phận nghèo hèn, trôi lênh đênh trên dòng sông này nên không hề quấy khóc, ốm đau.
Tôi cảm thấy thương cho thân phận của chính mình (Ảnh minh họa)
Nhớ những trận mưa tầm tã, mười hai giờ đêm anh vẫn đi bốc vác chưa về, hai mẹ con run lẩy bẩy trên chiếc thuyền nan mỏng manh, liên tục đưa đẩy bởi mưa gió tầm tã, tôi lại ôm con khóc. Nhớ những lần anh được ít tiền, bạn bè trong cánh bốc vác rủ đi một bữa nhậu gọi là bao ngày bốc vác vất vả để tiêu tốn một ít tiền vào vài cốc bia. Anh như lần đầu tiên được hưởng thụ cuộc đời  bởi anh chỉ biết chăm chỉ làm lụng kiếm tiền, chả bao giờ biết nhậu nhẹt quán xá, nên khi quay trở về chiếc thuyền, anh khóc và chửi rất to trong cơn say.
Nhìn anh tuyệt vọng, tôi cũng nức nở theo, anh hét lên như chưa bao giờ được hét. Bởi cái nghề của anh người ta bảo gì làm nấy, anh có bao giờ được quát tháo, mắng mỏ ai bao giờ đâu. Có tí men, anh mới biết chửi mắng, bình thường chỉ câm lặng đi làm kiếm tiền và mang về phục vụ vợ con. Tôi để mặc cho anh chửi tôi là con người ăn bám, để mặc cho anh chửi bới bởi tôi thấy nhẹ lòng hơn. Tôi yêu anh nhiều tới mức hy sinh cho cái tuổi lẽ ra vẫn còn ăn còn chơi để rời bỏ làng quê theo anh tới lập nghiệp ở góc thuyền bé nhỏ này. Tôi đã lựa chọn cho mình một cuộc đời bồng bềnh, nổi trôi để làm mẹ khi vừa tròn 16, cái tuổi đẹp nhất của thời con gái.

Tiếng radio ở thuyền bên cạnh khiến tôi chạnh lòng, ngậm ngùi, tủi thân và thương cho thân phận người đàn bà: “Thân em như hạt mưa sa/ Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày”. Chồng tôi đã hết cơn tức giận và đang ngáy như sấm. Tôi lặng lẽ ru cô con gái đang ngủ ngon lành: “Thân em như dải lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét