Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Để em cưa anh nhé - Chương 11: Xin chào Mai Lĩnh

Chương 11: Xin chào Mai Lĩnh


Ngày cuối cùng trong năm, tôi và Mita hẹn nhau đi xem chương trình sinh nhật Heineken tại Nhà Hát Lớn. Đã lâu lắm rồi tôi không được gặp Mita, mặc dù nhà hai đứa chỉ cách nhau có năm phút đi bộ.



Cũng đã mấy tháng rồi đấy! Gần hai năm trở lại đây, tôi và Mita không còn thường xuyên gặp nhau nữa, một phần là do tôi quá bận rộn với công việc và bài tập của mình, phần còn lại thì là do… xa mặt thì cách lòng.



Bạn cũng biết đấy! Tình bạn, tình yêu, đều có thể bị phai nhạt do khoảng cách địa lý và thời gian. Chúng tôi xa nhau vì không còn có nhiều thời gian để ở bên nhau, không còn thường xuyên tâm sự những câu chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống, mọi thứ dần dần rơi vào dĩ vãng… khiến mỗi khi gặp nhau… tôi chẳng còn biết phải nói gì với Mita.



Mita đã từng là một người bạn, “người vợ” rất thân của tôi. Chúng tôi quen nhau từ trên một forum rap tên NorthSide Family và chính thức gặp mặt nhau sau một lần đi offline. Tình cờ hơn nữa khi chúng tôi phát hiện ra nhà hai đứa chỉ cách nhau có vài bước chân trên đường Kim Liên Mới. Ví dụ như nhà Mita ở phía đầu đường gần Lotteria cắt ngang Phạm Ngọc Thạch thì nhà tôi lại ở ngay gần nhà sách Fahasa. Quen nhau, gặp nhau, và chơi được với nhau, đều là cơ duyên. Và tôi trân trọng điều đó. Đến bây giờ vẫn trân trọng cho dù tình cảm đã dần nhạt phai theo năm tháng… không cách nào níu lại.



Tình bạn… đối với tôi mà nói… còn quan trọng hơn cả tình yêu! Tôi có thể chia tay người yêu khi ghen tuông, giận dỗi, nhưng tuyệt đối không bao giờ từ bỏ bạn bè của mình. Nếu bạn có một người bạn tri kỉ, có thể ở bên bạn, san sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn, hay những bí mật vô cùng thầm kín trong cuộc sống…Thậm chí, người bạn đó còn có thể chỉ cần nhìn lướt qua cũng biết được bạn đang khóc đằng sau nụ cười giả tạo, có thể bắt bạn ngồi xuống và tựa vào vai nó mà khóc, có thể ở bên bạn cả ngày lẫn đêm, chỉ để làm cho bạn cười và giúp bạn cảm thấy không còn lạc lõng cô đơn… Nếu đã từng có một người bạn thân như thế… chắc hẳn sẽ chẳng ai muốn đánh mất đâu.



Nhưng… cuộc sống mà! Thời gian trôi đi, mọi người đều thay đổi, tính cách cũng thay đổi. Có những cái đôi khi người ta không chấp nhận được ở nhau nhưng lại chẳng dám nói ra chỉ vì sợ mích lòng bạn mình. Rút cục, cuối cùng chỉ còn mỗi bản thân ôm lại những nỗi buồn ở trong lòng, ấm ức hay giận dữ đều không thể hiện ra. Tình bạn cũng tự dưng trở nên xa cách từ lúc đó. 



Mọi thứ… giãn dần… rời xa… không tầm với… không còn có thể quay lại…



Tình bạn giữa tôi và Mita cũng đang dần dần trở nên như thế. Không còn gặp nhau, không còn chia sẻ những niềm vui nỗi buồn, không còn ở bên cạnh nhau từ sáng đến tối, không còn những ngày móc sạch túi để đi ăn đêm, không còn những đêm lượn lờ đường phố dưới ánh đèn vàng mờ ảo, không còn những ngày dầm mưa ướt đẫm áo rồi đêm về nhắn tin sụt sịt vì sổ mũi, nhức đầu… tất cả đều đã dần dần trôi vào dĩ vãng. Mặc dù vậy, tối nay, khi gặp nó, tôi vẫn là tôi, vẫn là cái Mai nhõng nhẽo trẻ con, hay làm những trò điên rồ bệnh hoạn biến thái để cho nó cười. Có lẽ, trong đám bạn bè của tôi bây giờ, chỉ còn có một mình nó là có thể khiến tôi trở lại là mình như trước kia- không vỏ bọc sắc sảo, mạnh mẽ, gạt đi những nụ cười nhạt chua chát- tôi trở lại là mình bốn năm về trước.



Bốn năm về trước, khi chưa đi làm, khi chưa yêu nhiều, chưa va chạm trước những xung đột của cuộc sống, tôi ngây thơ và non nớt vô cùng. Dù kém tôi hai tuổi nhưng lúc đó Mita còn có vẻ trầm mặc và già dặn hơn cả tôi. Tôi luôn ở bên cạnh nó, dựa vào bờ vai nó và khóc thút thít mỗi khi chia tay một anh chàng nào đó, luôn vòng tay ôm lấy cái bụng phệ căng tròn như thân cây cổ thụ, cảm nhận sự ấm áp khi ở bên cạnh đứa bạn vừa là vợ vừa là độc giả đọc truyện lâu năm của mình. Cảm giác ấm áp và hạnh phúc vô cùng… khi không cần phải giả tạo, trút bỏ mọi thứ nặng nề xung quanh để có thể trở lại là con người thật của mình- nhí nhảnh, trẻ con, nhõng nhẽo, thỉnh thoảng lại nhảy tưng tưng lên như con điên hay nói chuyện bằng cái giọng eo éo biến thái. Sau tất cả, bọn bạn tôi đều đóng khung nhận định: “Người bình thường một ngày chỉ điên 15 phút. Riêng con Mai một ngày mà có nổi 15 phút bình thường mới là điên!”.



Tổ sư cha… nhưng chúng nó nói đúng thật! *thở dài*



 ………



Đêm Hà Nội ngày cuối cùng trong năm, lung linh và ngập tràn ánh đèn trải dài trên khắp các con đường, ngõ phố. Tiếng người nói xôn xao, những tiếng cười nắc nẻ vang lên hòa thành một bản đồng ca hợp xướng râm ran vui nhộn. Mọi người đều đang nô nức tiến về phía Nhà Hát Lớn để đón chào năm mới, và quan trọng hơn là tham gia chương trình kỉ niệm của hãng bia Heineken… gây ách tắc cả đường phố. Vậy là chúng tôi đành phải gửi xe tại một nơi ở gần Nhà Hát Lớn, rồi quyết định tự đi bộ đến đó. Trước khi trà trộn vào rừng người đồng ngùn ngụt, chen lấn xô đẩy nhau nhung nhúc như tằm thế kia, tôi liền kéo tay Mita lại hòng dụ nó chụp ảnh nghiêng đầu cứu Trái Đất để còn về up lên facebook. Thấy tôi chụp, mấy đứa bạn của Mita cũng hùa vào đòi chụp theo. Thế là bốn đứa con gái xếp hàng từ thấp đến cao cùng nghiêng đầu đến vẹo cả cổ rồi làm đủ trò để… cứu Trái Đất!



Sau khi chụp ảnh xong xuôi, chúng tôi mới bắt đầu nối đuôi nhau xếp thành đoàn tàu cho tôi làm đầu tàu, cùng nhau “tu tu xình xịch” tiến thẳng lên phía trước, phá tan cái rừng người đông nghìn nghịt ấy bằng sự nhốn nháo của mình. Người thì đông, lại đứng cạnh nhau san sát như nêm, cũng không ít người vì quá khó thở mà phải chui ngược ra ngoài. Người chạy vào, người chạy ra, nhốn nháo, xô đẩy, khổ hơn cái trại tị nạn. Tôi làm đầu tàu mà dở khóc dở cười, nhưng vẫn cố thể hiện sự “trẻ trâu” của mình bằng cách chen lên phía trước cho mấy đứa em chạy theo.



Hì hì! Chả mấy khi được “trẻ trâu” như thế. Tội gì!



……..



Đúng gần 12 giờ đêm, cả đoàn tàu gồm gần chục toa là bọn tôi cuối cùng cũng đã tìm được một chỗ ngon lành để yên vị ngay gần sân khấu. Tiếng nhạc xập xình nã vào tai ung hết cả thủ, đứng bên cạnh còn có một đôi trai gái ôm ấp hôn hít nhau nhiệt tình đến sợ. Thậm chí, anh chàng người Tây ấy thỉnh thoảng còn quay ra chào tôi và Mita, xong đâu đấy anh ta còn bất ngờ vuốt má tôi và hôn vào má Mita nữa. Tôi sợ đến nỗi ngồi thụp cả xuống để tránh né. Đúng lúc đó, tất cả mọi người tự dưng im bặt, rồi nín thở hồi hộp chờ đợi kim đồng hồ quay ngược. Người dẫn chương trình chủ động hô to: “10…9…8…” những tiếng đếm ngược vang lên đồng thanh như hát quốc ca rầm rộ ở phía sau khiến tôi cũng phải vội vàng đứng bật dậy rồi chỉ tay lên trời, hét lên cùng mọi người. Không khí lúc ấy vô cùng sôi động, hàng ngàn trái tim hòa cùng một nhịp đập, rộn ràng, hồi hộp. Cho đến khi số 0 vừa được xướng lên rõ ràng, pháo hoa nổ đùng đoàng, tất cả mọi người đều như vỡ òa ra, rồi ôm nhau chúc mừng năm mới với xúc cảm bồi hồi nghẹn ngào đến khó tả. Tôi cũng vậy. Ngay lúc ấy, tôi liền ôm trầm lấy Mita, hai đứa nhảy tưng tưng lên rồi nhún nhảy lắc lư theo điệu nhạc mà anh DJ đang đứng đánh trên cao.



Thực chất, chúng tôi vừa nhảy, vừa lặng lẽ chen ngay ra ngoài. Không thể chờ đến khi tất cả mọi người đều ùa về được, lúc đó thì có mà chen nhau bẹp ruột. Ra đến bên ngoài, chúng tôi thi nhau thở hổn hển. Khiếp! Lúc đó mới thấy không khí trong lành sao mà quý giá đến thế!



Lại thêm một năm nữa tôi đón năm mới cùng Mita, đã năm năm rồi, thói quen này đã trở thành truyền thống giữa tôi và nó. Kết thúc một năm với bao niềm vui, nỗi buồn. 2012 đối với tôi là một năm lưu trữ quá nhiều cảm xúc, lúc thăng lúc trầm, kể từ công việc đến gia đình hay sự nghiệp của tôi đều vậy. Dù sao cũng là một năm đáng để nhớ và ghi lại nhiều cột mốc quan trọng trong cuộc đời... để sau này nhìn lại, tôi vẫn có thể mỉm cười vì mình chưa làm điều gì đáng tiếc.



…………….



Hơn 12 giờ đêm, chúng tôi chụp thêm một vài pô ảnh để làm kỉ niệm rồi mới dắt tay nhau ra về. Lúc ngồi sau xe Mita, ôm lấy cái bụng căng tròn mấy ngấn của nó, tôi khẽ siết chặt tay mình lại, thở phào và khẽ mỉm cười.



Thật may vì bên cạnh tôi vẫn luôn còn có bạn bè. Những người luôn sẵn sàng ở bên tôi, chia sẻ buồn vui mỗi khi lòng tôi tràn đầy gánh nặng. Đối với tôi thì chỉ cần thế thôi, có gia đình, có bạn bè ở bên đã là quá đủ rồi. Cuộc sống của tôi bận rộn hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa, tôi có quá nhiều thứ để quan tâm và lo lắng ở xung quanh. Vì vậy, cho dù không có người yêu thì cũng chẳng sao. Không có người yêu, tôi sẽ dành nhiều thời gian để chăm sóc cho bản thân mình hơn, sẽ không ngược đãi với chính mình nữa, sẽ đi chơi với bạn bè nhiều hơn và ăn cơm cùng gia đình thường xuyên hơn. Thiết nghĩ, những bữa cơm xum vầy bây giờ đối với tôi có thể là chuyện thường ngày, nhưng sau này, khi tôi thật sự trưởng thành, khi tôi không còn được đi học nữa mà hoàn toàn bị cuốn sâu vào vòng xoáy không ngừng của cuộc sống, chắc gì tôi đã còn nhiều thời gian để mà ở nhà ăn cơm mẹ nấu? Chắc gì tôi đã còn thời gian để mà tâm sự hằng đêm với em trai? Có thể lúc đó tôi sẽ phải thường xuyên đi công tác, nếu như tôi có một sự nghiệp thành công và bận rộn. Dù sao có công việc để mà bận rộn cũng là tốt. Nhưng lúc đó, có lẽ tôi sẽ nhớ những bữa cơm xum vầy cùng gia đình nhiều lắm! Vì vậy, tôi cần phải trân trọng những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống thường nhật ngay từ chính lúc này.





………..



12 giờ 25 phút, tôi trở về nhà, mẹ đã thắp hương xong, thằng Quân vẫn ngồi chơi điện tử. Như một thói quen, tôi chạy vào phòng nó đầu tiên và kể lại mọi chuyện trong ngày hôm nay với nó. Hai chị em ngồi tâm sự được một lúc thì mẹ lại lên và đem cho chị em tôi một đĩa xoài xanh vừa lấy trên bàn thờ xuống rồi bảo tôi gọt cho Quân ăn.



Chị em tôi thích ăn xoài xanh lắm! Vậy nên trong lúc tôi còn đang gọt dở, nó đã vội phủ đầu trước.



-         Vẫn như luật cũ. Chị chia, em chọn!



Lời nó phát ra gọn lỏn, còn tôi thì như muốn phát rồ lên vì cái luật quá ư oái oăm của thằng em đầu giàu chất xám này bày ra. Kiểu chia chác này khiến cho tôi luôn phải đặt tinh thần lên bàn cân thép, bởi vì nếu chia lệch thì chỉ có mình phải nhận phần thiệt.



Tất nhiên, cuối cùng thì tôi cũng vẫn là người phải chịu thiệt. Cầm nửa miếng xoài chỉ to hơn miếng của tôi độ 2mm, thằng Quân cười nửa miệng đầy đắc ý.



-         Sau này đẻ con em nhất định phải dạy chúng nó công thức “chị chia, em chọn” mới được! Trời ơi! Sao mình lại có thể thông minh như thế được nhỉ! Hầy!



Thằng Quân vừa nói, vừa đưa tay lên trán, lắc đầu tự thán phục bản thân. Tôi rùng cả mình, lắc đầu chán nản.



-         Em với chả út! Tao đến phát ốm vì cái luật dở hơi của mày. Sau này nhất định tao sẽ dạy con tao công thức “chị chia, chị chọn”.



-         Ui zời! Chị Cả gương mẫu quá!



-         Lại chả… ai như cái loại mày!



Tôi vừa nói, vừa vênh mặt đút miếng xoài vào miệng, trong lúc vung tay lại vô tình làm rơi mất lọ gia vị còn chưa đóng nắp xuống nền nhà. Gia vị bất ngờ văng tung tóe khiến tôi giật nảy cả mình thất kinh, rồi vội vàng chạy đi kiếm cái chổi để dọn ngay lập tức kẻo mẹ biết. Vừa quét, tôi vừa làu bàu nói.



-         Tại mày đấy! Mày làm tao phân tâm.



Thằng Quân ngồi nhìn tôi lọ mọ thu dọn đống tàn tích một cách ung dung, rồi lại chẹp miệng chê bai thêm một lần nữa.



-         Lỗi tại chị “cả”!



-         Em với chả út!



……



Gần 2 giờ đêm, sau khi đã nhét hết đống hành lý cần thiết vào chiếc vali khổng lồ, tôi lăn tròn trên giường, thở hổn hển. Nghĩ đến việc bắt đầu từ ngày mai sẽ phải xa nhà và mãi đến một tháng sau mới được trở về, tự dưng tôi thấy vừa lo vừa… phấn khởi. Lo vì phải xa cái máy tính, tôi sẽ tạm thời không thể viết truyện và cập nhật trên facebook thường xuyên được nữa, còn phấn khởi là vì được chuyển về vùng làng quê sống. Nói thật, đã lâu lắm rồi tôi không về quê, không được hít thở cái không khí trong lành của gió đồng thơm mùi lúa, không được trèo cây hái trộm quả hay đi bắt châu chấu về nướng ăn. Tất cả những kỷ niệm đó vẫn còn luôn in đậm trong tâm trí tôi kể từ ngày thơ ấu. Nhưng bây giờ thì lớn rồi, dù là nghỉ hè thì tôi vẫn phải thường xuyên đi làm, tôi không thể nghỉ ngơi dài hạn để có thể đi đâu đó vui chơi xa nhà được. Cuộc sống hằng ngày trôi đi khá ảm đạm và nhàm chán. Mai Lĩnh… đối với tôi là một khái niệm khá thú vị và đầy mới mẻ mà tôi vẫn đang rất mong chờ.



Ngày cuối cùng ở lại Hà Nội, tôi lại bò sang phòng thằng em, đòi ngủ chung buổi cuối.

Nằm trên giường cạnh nó, ngước mắt ra phía cửa sổ nhìn ánh trăng sáng vằng vặc tỏa rạng trên bầu trời đêm li ti những đốm vàng lấp lánh, tôi khẽ thở dài, rồi quay sang nhìn nó nói.



-         Quân này! Em biết không…



-         Không! Em không biết!



Nó tỉnh bơ trả lời khi tôi còn chưa kịp nói hết làm tôi rồ cả người, gắt lên.



-         Tao đã nói gì đâu mà mày bảo không biết!



-         Thì chị chưa nói làm sao em biết được! Được rồi! Thế bây giờ nói đi xem nào. Biết đâu em lại biết đấy!



-         … *hậm hực một lúc rồi mới thèm mở lời*- Ngày mai chị lên Mai Lĩnh Quân ạ.



-         Ừm! Cái này thì em biết. Rồi sao?



-         Chị muốn nhờ em giúp một việc. Mai em có thể dậy sớm đèo chị ra trường được không?



Tôi vừa nói dứt lời, nó liền quay ngoắt lưng lại, rồi ngáy khò khò luôn. Tức quá, tôi liền khườ chân rồi đạp cho nó mấy phát vào mông, nhất định không cho ngủ.



-         Dậy! Dậy đi! Em út thế đấy à!



-         Biết rồi. Mai đèo. Mấy giờ hả chị Cả?



…..





Hì hì… Hí hí… Hi hi…



Em trai yêu quý của tôi đấy!

Mặc dù tính tình nó có oái oăm như ông cụ non, ăn nói thì lắt léo, toàn chơi chữ với phủ đầu, luôn lừa tôi để nhận phần hơn về mình, nhưng trong thâm tâm nó vẫn luôn là một thằng em rất tốt, luôn nghĩ cho tôi, giúp đỡ tôi mỗi khi tôi cần. Bởi vậy mà cho dù có cãi nhau như thế nào thì tôi vẫn luôn yêu thương nó… rất nhiều… nhiều lắm lắm!





…………….




Sáng ngày hôm sau, đúng 6 giờ, tôi bật dậy như một cái lò xo ngay khi nghe thấy tiếng chuông báo thức vang lên tự động. Hì hục sắp xếp lại hết đống đồ, xem đi xem lại đến cả chục lần xem có còn thiếu thứ gì quan trọng hay không, cuối cùng tôi mới đánh thức thằng Quân dậy và bắt nó đèo mình đến trường. Trên đường đi, do mấy cái túi quá to đè nặng vào lưng khiến thằng Quân mấy lần suýt lạng tay lái. Lúc đi qua chỗ cây xăng, thấy tắc đường, tôi liền bảo Quân rẽ ngay vào ngõ để đi tắt, ai dè chưa kịp rẽ đã gặp ngay thằng Giang bạn học cũ cùng lớp ôn thi vẽ ngày trước (Thằng này tôi thường tránh xa, vì tên tôi cả tên nó đặt cạnh nhau không được đẹp đẽ gì cho lắm!). Thấy tôi, Giang liền hớn hở thông báo.



-         Bà vào trường làm cái gì? Đằng nào tí nữa xe bus chả đón sinh viên ở đây. Bà không thấy bao nhiêu đứa đang xách vali đứng chờ đây à?!



Nghe lời Giang, tôi mới để ý ngó sang bên phía tay phải thì phát hiện ra quá nhiều sinh viên đang đứng túm năm tụm ba chờ xe bus. May quá! Đỡ phải nhọc công đi tiếp, thế là tôi liền bắt thằng Quân dừng lại rồi cho nó về nhà trước.



Hì hục vác đống vali nặng như chì tiến đến chỗ đám bạn, nhưng vừa chạy đến nơi, tôi lại ngớ người khi nhận ra đây là hội của lớp khác. Nhìn quanh chẳng thấy ai quen, tìm mãi mới thấy mặt thằng Nghĩa thộn đang đứng lẫn trong đám sinh viên lớp A3, tôi liền vội vàng chạy lại hỏi.



-         Ông ơi! Lớp mình đâu cả rồi?



-         Đang ở trường.



-         Sao lại vẫn đang ở trường?



-         Thì riêng lớp mình xe đón vào tận trường, không chờ ở đây!



Nghe Nghĩa nói xong, tôi điếng người, cảm giác như vừa bị cả một gáo nước dội thẳng vào mặt. Chả có nhẽ bây giờ lại cất công xách cái vali nặng chịch này đi bộ vào trường à? Đường thì đang tắc…



-         Thế sao ông còn ở đây?- Tôi bần thần hỏi lại.



-         À! Tôi đi với hội A3. Bà về trường trước đi.



Ừ…

Thì chẳng về…



Hậm hực xách đống hành lý nặng chình chịch, kéo ngược trở về phía trường, vượt qua con đường tắc đang nghìn nghịt toàn những người là người, khổ sở lết qua từng chiếc xe máy đang lấn chiếm lên cả vỉa hè, tôi vừa thở hổn hển vừa uất ức.



“Thằng chó Giang! Xui dại bà mày! Biết thế tao cứ bảo em tao đưa vào tận trường có phải hơn không. Sao mà ngu thế không biết!”



Tôi vừa đi vừa chửi, thế mà nhoắng cái đã về đến trường. Vừa nhìn thấy đám cái Hiền, cái Mai, tôi liền hồ hởi chạy đến chào, rồi mếu máo kể lại chuyện ban nãy cho bọn nó. Nghe xong, chúng nó liền tặng tôi một nụ cười thương hại.



-         Ơ… Em tưởng chị đứng ngoài kia rồi… còn quay về đây làm gì? Đằng nào cả lớp chả phải ra đường lớn tập trung. Xe nào nó chịu lách vào đây!



-         Hả!!!



Tôi đứng chết chân tại chỗ…
Cái cảm giác này còn tệ hơn cả dẫm phải phân!



Tôi cười méo cả mặt, bặm môi mếu máo khóc không thành tiếng. Đang đứng dậm chân tại chỗ không định đi nữa, nghĩ đến cảnh phải cầm ba cái túi nặng gần chục ký lôi ngược trở lại điểm xuất phát mà tôi chỉ muốn vứt quách hết đi. Đúng lúc đó, bỗng nhiên từ phía sau có tiếng người cất lên gọi tên tôi, tôi liền ngỡ ngàng quay người lại, khuôn mặt rạng rỡ đón chào bạn Mã Tiểu Linh hay còn gọi là “Linh chăn ngựa” đang ngồi vắt vẻo trên xe máy. Thì ra hôm nay Linh không phải đi quân sự, nhưng vẫn quyết định phi ra trường để xem có ai rơi vào hoàn cảnh bi đát như tôi không thì còn giúp.



Tất nhiên là- như tôi- chỉ như tôi- chính là tôi!!!
Lúc này thì làm quái gì còn có ai khổ sở, thảm hại hơn tôi được nữa!



-         Mai lên xe đi, tôi đèo! Nhìn bà xách đi xách lại khổ quá!



-         Hu hu hu! Cảm ơn Mã Giám Sinh!



Tôi vừa cười vừa khóc, sướng như lúa được mùa,  rồi hì hục chạy tới như một con lật đật, vội vã nhảy tót lên xe, khuôn mặt vô cùng thỏa mãn, vẫy tay chào Hiền và Mai Bé đang méo mặt đứng đằng sau dậm chân bất lực.



“Ui zời ơi! Mình ăn ở thế nào mới được đối xử thế này ấy chứ! Hi hi hi!”- Tôi ngồi trên xe, vẫn còn cố nói với lại để bọn bạn nghe thấy.



……….



Sau khi chờ mọi người lên hết các xe trước, lớp chúng tôi mới chịu kéo nhau trèo lên chiếc xe cuối cùng với mục đích “Chúng nó đến trước thì đằng nào chúng nó cũng phải chờ bọn mình tới rồi mới cùng tập trung. Mình đến sau ung dung ngồi rung đùi có phải sướng hơn không!”.



Sao mà lớp mình thông minh thế không biết!



Ngồi trên chiếc xe bus kiểu đời cũ, rung rinh rắc lư vượt qua ngàn ổ gà tiến đến khu “Mai Lĩnh rì-sọt”, ban đầu mấy đứa chúng tôi còn ra vẻ hứng khởi, nhưng càng về sau, cảm giác say xe khiến cho chúng tôi ngậm câm như hến, chả còn thiết nói năng gì nữa. Khốn khổ nhất vẫn là tôi, tôi bị say xe nặng nên chỉ dám ngồi im, nghe các bạn nói chuyện mà không dám mở miệng xen vào vì sợ… ói.



Cuối cùng, tôi quyết định chuyển xuống ghế cuối ngồi cho thoải mái. Ngồi một mình một ghế, tôi cố tình mở cửa sổ ra hết cỡ  rồi thò đầu ra ngoài cho gió thốc thẳng vào mặt, để giải tỏa bớt mùi nồng nặc bên trong xe. Chỉ nghĩ đến thôi mà tôi cũng thấy nôn nao khó chịu hết cả người rồi. Sau hai tiếng đồng hồ, cuối cùng đoàn xe đã chỉ còn cách Mai Lĩnh có vài cây số, con đường phía trước mắt dần dần trở nên mới lạ. Mọi vật thay đổi từ đường ray, đến những dãy nhà hoang, tiếp theo là những cánh đồng lúa bát ngát, thơm mùi sữa gạo thanh mát, khiến tôi cứ căng mũi ra tận hưởng hương vị tuyệt vời của đất trời, thỉnh thoảng lại dính phải mùi nồng nặc của mấy bãi phân trâu còn tươi mới sộc thẳng vào mũi… Một cảm giác gớm không thể tả!



Càng tiến gần về khu quân sự, khung cảnh làng quê dần hiện ra rõ rệt, những ngôi nhà mái tranh lúp xúp, ống ngói đượm đà mùi của rơm khô đang được nhóm lên nghi ngút, bay bược chiều gió lại một lần nữa sộc thẳng vào mặt tôi…



Bực mình! Tôi đóng sập cửa lại. Ngửi bom hạn nhân thế là đủ lắm rồi!



Con đường đi vào trong trường sâu hoắm giữa hai bên đều là khu chợ, tôi thầm chẹp miệng thất vọng: “trường làng rồi”! Thế nhưng càng đi vào sâu, thực tại lại càng hiện ra bất ngờ trước mắt chúng tôi. Đám con gái ngoái hẳn cổ ra ngoài, sáng mắt kêu lên thích thú.



-         Ôi! Sân bóng kìa!

-         Wow! Có cả nhà thi đấu nữa!

-         Uôi… Các anh tay tooo –Hiền rít lên!

-         Nhưng lò xo bé…- Tôi tỉnh bơ nói.



……..





Bánh xe dừng lại ở sân bóng rổ, mấy đứa con gái nháo nhào nhảy xuống xe, tay xách nách mang cắp đống hành lí nặng chình chịch tiến về phía sân trung tâm. Sau khi được các thầy phân chia trung đội tiểu đội, cả lớp chúng tôi được xếp vào trung đội 11 cho chị Ly Xôi chỉ huy. Chị Ly bé bé xinh xinh sinh năm 90 mà nhìn trẻ măng khiến ban đầu tôi còn xưng hô lấc cấc vì hiểu nhầm là bằng tuổi.



 Sau khi nghe thầy hiệu trưởng giới thiệu qua về trường cùng bài diễn văn chào đón mà tôi đoán là các cụ đã đọc thuộc làu, cuối cùng thì chúng tôi cũng được thả cho tự do bay về khu ký túc xá, tự chọn phòng trong dãy nhà B. Vội vàng xách va li chạy lên hết tầng ba rồi lại xuống tầng hai, phân vân một hồi, chốt hạ tôi quyết định ở lại phòng A112. Căn phòng rộng rãi có đến tám chiêc giường được phân thành hai tầng xếp chồng lên nhau áp sát vào vách tường. Vừa mới vào phòng, chúng tôi đã tranh nhau chọn giường.



Tôi vẫn còn nhớ, vài năm trước khi xem một bộ phim, thấy các cô bộ đội hay nằm ở giường bên trên rất riêng tư, đêm về còn có gió mát, trăng thanh treo ngoài cửa sổ, cô chiến sĩ Mai có thể ngồi bên thành giường lôi nhật ký ra trầm tư viết truyện “Đời người lính trẻ” để sau này truyền lại cho con cháu. Chỉ tưởng tượng thôi cũng thấy viễn cảnh đẹp như tranh rồi…



Đang đứng ngẩn ngơ suy nghĩ, bỗng tiếng Hân Lớn tiểu đội trưởng cất lên kéo tuột tôi trở về thực tại.



-         Phòng này đã xếp đủ người chưa? Đủ rồi thì cử ra 4 người cùng tớ xuống nhà kho lấy chăn màn và đồng phục nhé!



-         Ai đi với chị?- Tôi hồ hởi xung phong trước.



-         Mọi người đi đi, em ở lại dọn phòng cho!- Nhìn vào đống bụi bặm ngổn ngang, Hiền quyết định ở lại đảm việc nhà.



Vậy là cuối cùng tôi, Mai bé, Quyên và Nhi khoác tay nhau lon ton chạy xuống khu nhà A để lấy đồ tư trang, để lại Hiền cùng Linh, Huyền và Ánh là ba người mới sát nhập vào phòng ở lại dọn dẹp.



……………….



Thời tiết đầu tháng một lạnh cắt da cắt thịt, lại được thêm gió núi sương rừng hòa quyện tăng thêm phần rát buốt. Lúc đứng chờ xếp hàng, mấy đứa ôm nhau run lẩy bẩy. Sốt ruột ngó lên phía trước, tôi há hốc mồm khi nhìn thấy trước mình phải còn đến mấy trăm mạng nữa. Đánh chết cũng không hết cái nết lề mề. Cuối cùng, tôi quyết định dùng hạ sách: đi vòng qua lối tắt hành lang, chen vô đầu đoàn. Thế là chỉ sau năm phút, tôi cùng mấy con giời phòng A112 đã chễm chệ chen lên đứng đầu.



Sau khi được tiểu đội trưởng phát cho mấy chồng dày cộp toàn những là chăn màn, quần áo đã bốc mùi ẩm mốc, tôi khẽ nhăn mặt rồi chia cho mỗi đứa một chồng để bê trở về phòng. Trên đường đi, Nhi cứ ngửa hẳn mặt về phía sau để hít khí trời mãi.



Lúc đi qua căng tin, mấy đứa liền sáng mắt khi phát hiện ra khu nhà ăn ở đây cực lớn, đồ ăn vặt thì la liệt, đã thế lại còn có đủ thứ nước giải khát như chè, trà đá, nhân trần, nước mía các kiểu nữa. Cả nhóm khẽ gật gù… Vậy là không lo chết đói rồi! Trước khi đến đây tôi đã từng nghe các anh chị khóa trên kể lại là thức ăn ở đây kinh khủng lắm, cơm cứng như đá, nắm vào có thể ném chết chó, lạc cắn vào không cẩn thận là gãy răng, nước canh thì nhạt hơn nước ốc,  vậy mà chúng tôi phải đóng những một triệu tiền ăn cho cả tháng lận, vị chi ra cũng gần hai chục mỗi bữa. Thật đúng là vứt tiền xuống sông.



Chúng tôi mua lên phòng tám cốc nước mía, rồi lại cùng nhóm “hậu cần” dọn dẹp nốt căn phòng còn dang dở, giũ từng cái chiếu, phơi từng tấm chăn chiếc áo lên mắc ngoài hành lang, xong xuôi, cả nhóm lại chung tiền đi mua thêm mấy món đồ dùng cá nhân như xô rác, giấy ăn, bàn chải, nước uống.



Tôi và Mai bé do nhỏ người nhưng có sức khỏe nên “được” cử đi bê nước, còn Hiền, Quyên và Nhi thì đi mua vật dụng cá nhân. Cảm giác chung tay sắm sửa, giúp đỡ nhau để trang hoàng cho một căn phòng mới với tập thể tám người chưa từng chung sống… Chỉ nghĩ đến thôi tôi cũng đã thấy hồi hộp lắm rồi!



……..



Hì hục vận chuyển tám bình nước nặng như chì xách lên tầng hai, tôi và Mai bé không ngừng muốt mồ hôi than thở.



-         Em nhớ nhà!!!



-         Chị muốn về!!!




………………..


 
Trong một buổi chiều ngày hôm ấy, mọi thứ cuối cùng cũng đã được thu xếp gần ổn thỏa. Ban đầu thiếu mũ thiếu áo, chúng tôi còn cãi nhau loạn xạ cả lên, nhưng giờ thì phân chia cả rồi. Lần đầu tiên được khoác nguyên cả cây màu xanh bộ đội lên người, lòng chúng tôi thấy phấn khởi vô cùng. Mỗi tội trông đứa nào đứa nấy cũng như cây nấm lùn, nhất là tôi và Mai bé, nhìn lôi thôi luộm thuộm, cảm giác như đang bơi trong quần áo vậy.



……..



Đến tầm bốn rưỡi chiều, sau khi đã thu dọn ngăn nắp đâu vào đấy, chúng tôi mệt lả cả người mà vẫn chưa có gì vào bụng, nghe tiếng bụng đồng thanh réo lên, cả phòng lại rủ nhau xuống căng tin ăn phở. Quả thật lần đầu tiên ăn phở ở đây, tất cả đều có cảm giác vô cùng đặc biệt… như là lần cuối cùng!



Đã thế bát của tôi lại còn bị lỡ cho hành, mặc dù trước đó tôi đã kêu khản cả cổ và không ngừng nhấn mạnh.



“Hai bát tái, ba bát chín, hai bát tái chín, một bán tái không hành! BÁT TÁI KHÔNG CÓ HÀNH ĐÂU NHÉ! CÓ HÀNH KHÔNG ĂN ĐÂU!!!”



Thế mà cuối cùng, tôi vẫn phải vừa khóc vừa gẩy hành ra. Thật đúng là một bữa ăn ngập trong nước mắt!



Sau khi cất công căng mắt lên dể lọc hành, vừa mới kịp hút được hai sợi phở thì…



Renggggggggggggggggg renggggggggggggggggggg!!!!!!!!!



“Toàn thể học sinh lập tức tập trung tại sân nhà B. Sau năm phút ai vắng mặt thì trục suất ngay lập tức!”



Đếch thể nào mà chịu được!!!



Tôi tức tối bỏ đũa xuống, thanh toán xong rồi chạy thục mạng về phía sân trường, ruột long lên sòng sọc. Chỉ trong giây lát, ngập tràn sân trường đã là màu xanh của lá, từ màu lục cho đến màu rêu, cảm giác náo nhiệt đến khó tả, tất cả đều xôn xao một khẩu hiệu chung như thể thần giao cách cảm.



“Đếch thể nào mà chịu được! Đếch thể nào mà sống được!!! Tao muốn về Hà Nội!!!”



Vâng, thưa các bạn, đây đã là lần thứ hai chúng tôi thốt ra câu này, và sau này nó cũng trở thành câu nói cửa miệng trong suốt một tháng “Vui cùng chiến sĩ” của chúng tôi.





………….





“Chào mừng toàn thể sinh viên ba trường đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội, Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội và Đại Học Hà Nội đã đến với khóa huấn luyện quân sự K176 của chúng tôi! Ở đây, các em sẽ được trải qua một cuộc sống trưa từng sống…”



“Vâng! Vừa mới trải qua rồi, nếm đủ rồi, nhớ mẹ lắm rồi, muốn được về ăn cơm nhà lắm rồi!”- Mấy đứa ngồi bên dưới, chống cằm lèm bèm trong tiếng réo sôi anh ách như đánh beatbox của dạ dày còn chưa kịp tiêu hóa hết từ chỗ phở ban nãy. Sau một bài diễn văn dài dằng dặc, chốt lại là bắt đầu từ ngày mai chúng tôi sẽ phải sống một cuộc sống mới, một cuộc sống kỉ cương vô cùng khắc nghiệt, không phân biệt giàu nghèo, ai cũng phải tuân thủ chấp hành như nhau. Sáng, phải dậy từ 5 giờ 15, hàng ngày các thầy sẽ đi tuần tra kiểm soát, phòng nào dậy muộn, không vệ sinh phòng trước 5 giờ 30 sẽ bị ôm chăn đứng phạt giữa sân đến hết ngày, một người mắc lỗi cả trung đội phải chịu kỉ luật theo. Vì vậy chịu khó mà bảo ban nhau, không thì úp sọt nhổ nước bọt chết cha cái thằng vi phạm đi! 6 giờ 30 tập thể dục hoặc đi lao động chung. 7 giờ bắt đầu học, 10 giờ ăn trưa, 11 giờ về phòng nghỉ trưa, 1 giờ chiều bắt đầu học tiếp, 5 giờ ăn tối, 8 giờ lại tập trung cuối ngày. Sau 8 giờ không được ra khỏi cổng trường, con gái không được mặc váy ngắn quần đùi, trang phục hở hang để tránh những trường hợp không may xảy ra, trường không chịu khách nhiệm.



Nghe thầy thuyết trình đến tầm sáu giờ, khi nền trời đã bắt đầu chuyển sang màu xanh xám xịt, gió cũng thét mạnh hơn, đám học sinh co ro lo lắng, dần dần cảm thấy chuyện chẳng lành sắp ập tới. Trong khi đó, thầy vẫn oai nghiêm bệ vệ đứng phát biểu bên trong dãy hành lang đã được che chắn cẩn thận bởi mái hiên nhà.  



“ Tôi đảm bảo với các em, sau bốn tuần ở đây, có khi các em còn chẳng muốn về nữa ấy chứ! Bây giờ có thể các em sẽ không tin, nhưng rồi thời gian sẽ trả lời tất cả”.



Mặc kệ lời thầy nói, đám học sinh phía dưới đã bắt đầu nháo nhác kêu lên.



-         Thầy ơi! Mưa rồi!!!



Mặc kệ lời học viên nói, thầy vẫn hào hùng phát biểu tiếp.



-         Mưa to là mưa nhỏ, mưa nhỏ là không có mưa. Ai cãi thì đóng gói về nhà!



-         Nhưng…



-         Ai vừa “nhưng”???



Thầy nói đến đây, giọng đanh lại, nụ cười trên môi lập tức đông cứng thành ánh mắt thép, quét xuống đám học viên chưa hiểu phép tắc khiến cả hội trường lập tức im phăng phắc, không ai dám cãi thêm bất kì một câu nào nữa.



“NGHIÊM!!!”.



Hiệu lệnh vừa được phát ra, mặc kệ trời mưa, đứa nào đứa nấy đều phải đứng thẳng lưng, giơ tay lên ngang trán, hướng ánh mắt hình viền đạn về phía thầy chào hỏi. Từng hạt mưa mỗi lúc rơi một nặng hơn, đáp lã chã xuống đầu, táp vào mặt lạnh buốt. Thời tiết đầu tháng một hiện chỉ có mười mấy độ, bộ quân phục mỏng manh quả không đủ để giữ ấm cho chúng nó mặc dù đã cẩn thận nhét thêm mấy cái áo len vào bên trong. Hòa lẫn trong nước mưa, dường như là dòng nước mắt uất ức của đám con gái lần đầu tiên xa nhà lại phải chịu cái cảnh hành xác này.



-         Các em phải tập quen dần đi! Cuộc sống sau này còn vất vả hơn nhiều. Thế này mới chỉ là sự khởi đầu thôi, chưa nghĩa lí gì đâu. Nhưng rồi các em sẽ quen với cuộc sống này, có khi còn mang cả cách sống ấy về nhà khó mà quên được ý chứ! Tôi vẫn còn nhớ khóa huấn luyện năm ngoái có một cậu sinh viên sau khi đi quân sự về, vốn đã quen tắm nước lạnh, táp nước bằng chậu, về đến nhà được tắm bằng vòi hoa sen nước nóng thì không quen, còn gọi điện thoại cho tôi xin tôi cho thuê phòng ở đây học tiếp mà tôi còn không cho đấy!



Nghe đến đây, tôi lại khẽ nghiến răng lầm bầm, nhưng khuôn mặt vẫn nghiêm trang không biến sắc.



-         Thầy lại chém…



-         Gió lộng quá chị ạ!- Hiền cũng liếc sang càu nhàu.



-         Lạnh hết cả người! Gru gru…- Hai hàm răng va đập, Nhi run lẩy bẩy.





………



Đứng nhìn đám học sinh đang dựng thẳng mình, đối mặt với mưa gió không mảy may oán thán, thầy bỗng mỉm cười, rồi lại cất giọng hỏi.



-         Các em thấy thế nào? Chịu được nữa không?



-         DẠ CÓ Ạ!!!- Cả hội trường đánh liều lớn miệng dối lòng một phát.



Y như rằng… trúng đề luôn!

Nét mặt rạng ngời bất ngờ hiện lên trên khuôn mặt của người thầy đang đứng trong hiên nhà nhưng không sợ mưa gió…



-         Từng tiểu đội xếp thành hàng lối trật tự trở về phòng.



“AAAAAAAAAAAAAAAAAAAA!!! Tao đi trước! Tránh ra cho tao đi!!!”



Thầy vừa hạ mic xuống, cả rừng màu xanh đột ngột vỡ òa ra như lá rụng lả tả, nháo nhác hết cả lên. Thậm chí có những đứa bé bé lùn lùn giỏi leo trèo còn phi thân cái vèo qua hẳn hành lang phòng lãnh đảo để về phòng. Lẫn trong đám người nhốn nháo, chen chúc nhau cật cứng nhưng ai nấy cũng phải giơ cao một tay lên trời để giữ ghế, ngực tì vào nhau đau không tả nổi. Có những đứa còn ác đến nỗi lấy ghế làm vũ khí, húc thẳng lên phía trước để tìm đường cứu nước. Khung cảnh tắc nghẹt còn hỗn loạn hơn cả hôm Running Man về Hà Nội để quay chương trình.



Đứng dưới mưa, tôi cố gắng cúi đầu rúc vào lưng mấy đứa đi trước, lẳng lặng lợi dụng cơ thể của chúng nó để tránh mưa nhưng vẫn không quên cầm chắc chiếc ghế trong tay. Tự nhiên lại thấy lòng vui đến khó hiểu.



Có lẽ, những chuỗi ngày tới đây sẽ rất vất vả, nhưng lại đầy ắp những kỉ niệm vui mà tôi chưa bao giờ được trải qua.



Một nỗi niềm mãnh liệt bỗng dâng lên trong lòng… ngập tràn hy vọng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét