Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Để em cưa anh nhé - Chương 15: Tạm biệt Mai Lĩnh

Chương 15: Tạm biệt Mai Lĩnh


Tính đến nay chúng tôi đã học tập và chung sống ở khu quân sự Mai Lĩnh được gần bốn tuần, vậy mà bao nhiêu những bức thư tình, tâm sự, nhật ký được viết chằng chịt trên bốn mặt tường kín mít xung quanh căn phòng mà tôi ở vẫn chưa một lần được khám phá. Vậy là cuối cùng, ngày hôm nay cả nhóm chúng tôi quyết định ngồi lại với nhau, phân công mỗi đứa đọc một góc. Đầu tiên là tôi, tôi mở màn bằng một đoạn tâm thư của một cô gái học khóa trước, trong thư cô ấy có tâm sự như sau.



“Mình đã sống ở nơi này được hai tuần rồi, xa nhà, nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ anh chị, nhớ bạn bè, nhớ người yêu…”



“Ây chà! Con bé này nó cảm xúc ghê ta!” Hiền nói.



“Người yêu ơi! Em nhớ anh nhiều lắm! Xa anh mới hai tuần mà tựa như hai năm, xa anh em không đêm nào ngủ được ngon giấc, nhớ anh nhiều đến nỗi em không thèm tắm, người em hôi toàn mùi nước mắm. Người yêu ơi! Xa em hai tuần anh cũng nhớ em nhiều lắm đúng không! Khổ thân anh! Số phận bắt chúng ta phải xa cách nhau những một tháng liền. Một tháng ở đây đối với em dài tựa cả thế kỷ. Em nhớ người yêu, đêm nào em cũng khóc, mong sớm được trở về bên anh. Em đi xa, không có em ở bên anh nhớ ăn uống đầy đủ, đừng bỏ bữa, người yêu nhé! Đôi lúc em lại lo sợ rằng khi không có em ở bên anh sẽ lao vào vòng tay của người con gái khác. Những lúc nghĩ như vậy em lại không ngăn nổi được nước mắt, nhưng rồi em lại mau nín, vì em tin người yêu. Người yêu à! Chỉ còn hai tuần nữa thôi. Hãy cố chờ em nhé!

Em yêu anh nhiều lắm!



Nhớ anh!”



Tôi vừa đọc, vừa nổi cả da gà, tự hỏi không hiểu đây là thư tình hay tâm thư nữa mà đầu thư nó gởi được cho cha mẹ một dòng còn cuối thư nó dành trọn cho anh người yêu. Híc!



-         Chị ạ! Thôi tụi mình FA đừng đọc mấy cái thư tình vớ vẩn đấy nữa! Để em lên tầng hai xem có khai thác được gì hay hay không.



Nói rồi, Hiền và Mai bé liền rủ nhau trèo lên tầng hai, trong lúc đó tôi vẫn ngồi ở dưới cặm cụi đọc nốt mấy bức “tâm thư” nữa, thỉnh thoảng lại vớ được mấy bài thơ mưa, nắng tự cảm đọc cũng hài phết. Trong lúc tôi đang nghiền ngẫm ngâm thơ thì Mai và Hiền bất thình lình chạy xồng xộc xuống, lúc chạy xuống được đến nơi, mặt cả hai đứa đều cắt không còn một giọt máu. Hiền vừa cười, vừa mếu máo nói.



-         Chị ơi! Hay quá! Ở trên kia có một bức thư hay quá!



-         Thư gì! Thư gì!



-         Chị phải tự lên đọc đi! Bọn em không tiết lộ trước đâu.



-         Không đọc chị sẽ phải hối hận. Thề luôn!



Hiền nói, lại được thêm cái Mai chêm vào. Trước nay tôi vẫn tin tưởng lời cái Mai bé hơn cái Hiền vì Hiền hay nói đùa, nhưng nay cả hai đứa đều khẳng định thì tôi cũng không thể nào mà gạt đi được nữa. Vậy là sau màn quảng cáo đầy hấp dẫn của Hiền và Mai, cả nhóm chúng tôi gồm sáu người liền quyết định rủ nhau lên tầng hai đọc thử. Cẩn thận tiến đến bức tâm thư, tôi bắt đầu tỉ mẩn từ những dòng đầu tiên được khắc bằng chì than một cách nguệch ngoạc.



“Tôi đã ở nơi này được ba tuần, cuộc sống ở đây đối với tôi vô cùng lạ lẫm, trước kia khi ở Hà Nội, tôi chưa bao giờ phải dậy sớm từ lúc năm giờ sáng, chưa bao giờ phải ăn thức ăn đạm bạc, thiếu chất như thế này, cũng chưa bao giờ phải nhặt cỏ, quét rác cùng mọi người, nhưng cuộc sống ở đây đã thay đổi tất cả mọi thứ trong con người tôi. Tôi bắt đầu có ý thức tự giác hơn, bắt đầu hòa đồng và đoàn kết với mọi người hơn, tôi không còn cô lập một mình nữa. Sống ở đây tôi mới hiểu rằng cuộc sống của người lính ở ngoài biển đảo khốn khó và vất vả ra sao, khi mà chỉ mới một tháng trôi qua ở đây tôi đã thấy đủ cực nhọc thế này rồi. Cuộc sống ở đây có lẽ sẽ cứ trôi qua bình lặng như thế, cho đến một ngày tôi vô tình thức dậy vào lúc ba giờ sáng, lúc đó tiếng nước chảy róc rách trong phòng tắm cứ rỉ ra khiến tôi không sao ngủ nổi, tôi đã định cố gắng nhắm mắt để ngủ cho qua giấc, nhưng những tiếng tóc tách cứ xoáy vào óc, vang lên trong tiềm thức khiến tôi không sao ngủ được. Và cuối cùng, tôi quyết định bật dây, đi về phía phòng tắm.



Ba giờ sáng ngày hôm đó, tôi đã nhìn thấy thứ mà tôi không bao giờ nên nhìn thấy. Tôi vội vàng quay trở lại phòng sau một hồi đứng chết trân, cả người lạnh ngắt không còn một giọt máu. Cả đêm hôm đó, tôi cứ thức đến sáng, mắt mở thao láo không sao ngủ được, những tiếng róc rách vẫn vang lên như một âm điệu đeo bám lấy tôi… từng ngày… từng giờ…



Kể từ đêm hôm đó, tôi bị mất ngủ triền miên, cứ đến nửa đêm tôi lại giật mình trong vô thức vì những tiếng róc rách không có thật đó, nó khiến tôi như phát điên. Mất ngủ, tinh thần tôi trở nên sa sút, tôi không tập trung được việc gì, cũng không thể trở về nhà được, cảm giác như có một ma lực vô hình nào đó đang đeo bám khiến tôi thể làm được một việc gì khác. Tôi nghĩ đã đến lúc tôi phải giải quyết dứt điểm chuyện này. Tôi không thể sống như thế này được nữa! Tôi không thể chịu đựng sự giày vò đáng sợ này được nữa!



Tôi viết bức thư này dành cho những người ở lại, các bạn hãy cẩn thận, đừng bao giờ thức dậy vào lúc ba giờ đêm nếu nghe thấy tiếng róc rách ở phòng tắm. Nếu không các bạn cũng sẽ nhận phải kết cục như tôi. Và đây là lần cuối tôi ở lại căn phòng này, sau này hôm nay tôi sẽ biến mất mãi mãi!”



AAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAA!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!







Đọc xong, tim tôi như ngừng đập, mọi giác quan đều đóng băng hết, chân tay run lẩy bẩy, mồ hôi vã ra như tắm khi đập vào mắt mình lại là một hình đầu lâu xương sọ được vẽ ngay bên trên bức thư, choán cả một khoảng tường nhem nhuốc. Tôi rùng mình, ngã vật về phía sau rồi loạng choạng nhảy cái ruỳnh xuống sàn nhà, quên luôn cả nỗi đau khi đột ngột tiếp đất từ độ cao như thế. Nhìn thấy tôi mặt cắt không còn một giọt máu, Hiền và Mai vừa sợ, vừa ngã ra cười. Thế rồi sau buổi tối hôm ấy, phòng chúng tôi đi vệ sinh từ rất sớm, cứ mỗi lần đi là phải có ít nhất hai người đi kèm cho đỡ sợ. Thiệt tình…mấy ngày cuối rồi mà vẫn không yên.



Tối hôm đó chúng tôi quyết định đi ngủ sớm, vẫn như mọi lần, chúng tôi uyn búa kéo lá để sắp xếp chỗ nằm, và vẫn như mọi lần… hôm nay tôi lại phải nằm ngoài cùng. Cứ nghĩ đến bức di thư vừa đọc trên tầng hai, thỉnh thoảng tôi lại lỡ đánh mắt lên trên nhìn nó, thấy rồi thì đột ngột cúi mặt xuống và cấu vào tay mình cho tỉnh ngay. Nỗi sợ hãi khiến tôi không sao cam tâm chịu đựng chỗ nằm kinh khủng ngày hôm nay được, vậy là cuối cùng tôi đành nghiến răng quyết định một mình nằm một giường, không chung chạ với ai nữa. Thấy tôi phản ứng như thế, cái Hiền liền nhổm dậy trêu chọc.



-         Chị ơi! Ngủ một mình trên đó có ma đấy! Hi hi!



-         Thôi chịu khó xuống đây ngủ chắn cho mọi người đi Che ơi! Ngủ trên đấy có gì chết một mình không ai biết đâu!



-         Chúng mày thôi đi! Thà tao ngủ trên đầu tụi mày còn hơn nằm gần cái nhà tắm!



-         Ơ thế bây giờ ai đang phải nằm ngoài cùng thay Mai thế nhỉ?



Cái Nhi bất ngờ lên tiếng, sau khi nhìn qua ngó lại, rút cục, lại chính là cái đứa ngớ ngẩn ban nãy vừa mở miệng giễu cợt tôi. Phải! Hiền! Chính em.



-         Hiền ơi! Thôi em không sợ ma thì chịu khó nằm ngoài canh cho bọn chị ngủ đi nhé! Ha ha!



Nhìn cái mặt đần thối của Hiền ngẩn ra trong giây lát mà cái Nhi không nhịn nổi cười, nó lại tiện thể trêu chọc.



Sau khi nhận ra chính mình là kẻ thế thân chịu trận, Hiền liền bù lu bù loa lên, khóc lóc thảm thiết. Nó khóc dai đến nỗi hơn một tiếng sau, chẳng ai trong chúng tôi ngủ được cả, có lẽ con bé định dùng chiêu này để đổi lấy một chỗ nằm an toàn ở bên trong nếu như mọi người muốn được yên giấc. Và cuối cùng thì kẻ thèm ngủ nhất đã đành phải đứng dậy đổi chỗ cho Hiền, Nhi nói bằng giọng bực bội.



-         Đổi chỗ cho rồi thì im lặng mà ngủ đi nhé! Lèo nhà lèo nhèo!!! Sao bảo hồi trước ngủ cạnh bàn thờ cũng không sợ cơ mà!



-         Nhưng bàn thờ là tổ tiên nhà em, phù hộ cho em. Sao em phải sợ! Hu hu hu!



………….



Hai ngày cuối cùng trong tuần, ngoài việc thu dọn phòng và xem văn nghệ triền miên ra thì chúng tôi không phải thêm bất cứ một môn nào nữa. Thật thoải mái! Tối nay là buổi trình diễn văn nghệ cuối cùng, đáng nhẽ ra Mai bé cũng sẽ lên trình diễn với tiết mục “Nơi tình yêu bắt đầu” mà hồi đó đang rất hot nhưng cuối cùng tiết mục của Mai lại bị loại thẳng cẳng chỉ vì có một đôi nam thanh nữ tú khác đã đăng ký song ca bài đó trước em. Cả phòng tôi đều lấy làm tiếc vì trước đó con bé đã bỏ rất nhiều công sức ra luyện tập, thậm chí tôi và Hiền còn tập cả nhảy múa minh họa cho nó nữa, thế mà cuối cùng tiết mục công phu hoành tráng của chúng tôi lại được thay thế bằng một màn song ca nhạt thếch, chẳng để lại ấn tượng gì của đôi nam nữ cải lương kia. Ông trời thật không có mắt!



Đêm hôm ấy trở về phòng chúng tôi đã nằm tâm sự rất nhiều, tâm sự về tương lai và hiện tại. Hiện tại, chúng tôi cảm thấy cuộc sống ở đây rất vui, một tháng qua là một tháng vô cùng đáng nhớ với ngập tràn kỉ niệm, có vui, có buồn, có cả nước mắt. Thử hỏi nếu không có một tháng chung sống với nhau như thế này, chúng tôi làm sao có thể thực sự hiểu và chấp nhận con người thật của nhau? Tôi cũng thầm cám ơn những lần chúng tôi đã vô tình cãi vã, để rồi chính vì những lần ấy khiến tôi được sống thật với con người mình hơn rất nhiều. Một tháng ở đây, trước khi đi tôi đã vô cùng chán nản, tôi cứ nghĩ rằng  một tháng này vừa tốn tiền, lại không kiếm được tiền, thực sự vô bổ, nhưng thật ra tôi đã nhầm, một tháng này tôi học được nhiều điều lắm, những điều mà khi ở bên ngoài xã hội kia, dù có va vấp, cọ xát bấy nhiêu tôi cũng không thể học được. Đó là tình bạn, tình đoàn kết, tính kỉ luật, sự tự giác và trách nhiệm tinh thần cao độ về hành động của mình. Cuộc sống trong quân đội thực sự đã rèn dũa bản lĩnh cho tất cả chúng tôi chứ không phải chỉ riêng mình tôi, khiến chúng tôi biết yêu thương và thông cảm cho nhau nhiều hơn, đôi khi cũng là sự nhẫn nhịn và chịu đựng. Tôi không biết sau này… phải bao nhiêu lâu sau nữa chúng tôi mới có thể có thêm được một lần chung sống với nhau như chị em ruột thịt thế này nữa? Tương lai nói xa thì cũng thật xa, nhưng nếu bảo gần, thì chắc cũng rất gần. Tính toán xa xôi làm chi khi mà chỉ vài năm nữa thôi, mấy đứa sẽ đều phải ra trường, rồi thì tìm người kết hôn, lập gia đình, sinh con, ổn định cuộc sống riêng cả rồi.



Liệu đến lúc đó tình cảm có còn được khăng khít như bây giờ không?

Liệu đến lúc đó, trước những bận rộn của cuộc sống mọi người có còn nhớ đến nhau như lúc này nữa không?



-         Tao nghi con Quyên cưới sớm nhất phòng lắm!



-         Ờ! Tao cũng nghĩ thế. Bây giờ nó đã bị giục cưới rồi còn gì.



-         Ai bảo chúng mày là tao sẽ cưới!



Quyên im lặng một hồi rồi cũng gắt lên cãi lại.



-         Vậy ý mày là định chia tay anh ấy? Đừng chia tay, tìm được người đàn ông tốt chăm lo, có trách nhiệm với mày như thế bây giờ không phải dễ đâu, có gì mày cứ chịu khó lấy chồng sớm đi cho bọn tao đỡ tiền phong bì.



Tôi vừa dứt lời, cái Quyên đã bất ngờ cầm chiếc gối bông quăng cái bụp vào mặt tôi khiến cả phòng lại phá lên cười. Thật ra tôi nói cũng đâu có sai, hiện tại người yêu của Quyên đang là một người đàn ông trưởng thành, chín chắn về cả mặt tài chính, yêu thương và chăm sóc nó suốt mấy năm nay như vậy, vấn đề duy nhất là gia đình anh ấy rất ưng cái Quyên, hai bên môn đăng hộ đối nên chỉ muốn cưới sớm kẻo để lâu thì tuột mất cô dâu vừa đẹp người lại vừa đẹp nết. Chỉ có điều, nếu Quyên cưới sớm bây giờ, sau này muốn rủ nó đi chơi cũng khó, có khi mỗi lần gọi điện rủ đi café thôi con nó lại nhấc máy lên trả lời hộ mẹ: “Cô ơi! Mẹ cháu đang cho cháu bú rồi!” thì buồn. Mà sinh viên Mỹ Thuật vác bụng bầu đi học, bên cạnh là mấy cô gái còn trẻ trung mơn mởn như rừng hoa mới nở… kể cũng khó nghĩ chứ! Tôi biết Quyên còn nghĩ cho tương lai của nó với quá nhiều dự tính chưa thể quyết định, lùi một bước hay tiến một bước cũng đều rất nan giải. Chính ra cứ như chúng tôi, một là độc thân, hai là có người yêu nhưng cả hai đều còn trẻ thì lại chẳng phải suy nghĩ gì hết. Yêu đương thực tế thì chớ lôi chuyện cưới xin, con cái ra để mà hứa hẹn, đến khi chia tay nhau thì bỗng dưng lại trở thành kẻ thất hứa, đến nhìn mặt nhau cũng khó. Bởi vậy mà tôi chẳng bao giờ hứa hẹn với ai, nên cũng chưa bao giờ phải mang danh là kẻ thất hứa.





Tối hôm đó chúng tôi vẫn tâm sự nhiều lắm, tự dưng ngồi nhắc lại hết những kỉ niệm từ ngày đầu tụi tôi mới gặp nhau, khi mà lần đầu tiên tôi gặp cái Quyên, trong đầu tôi đã nghĩ về nó như thế nào, và ngược lại nó thấy tôi ra sao. Và bản thân tôi cũng chẳng thể ngờ được rằng bây giờ tôi lại thân với Hiền đến như vậy, trong khi hồi trước đi học vẽ cùng chung một lò hai đứa lại chẳng mấy khi nói chuyện với nhau. À! Còn cả Mai bé nữa. Tôi vẫn còn nhớ hôm đi thi, tôi và Mai được xếp chung một phòng, lúc ấy khi mới bước vào phòng thi, tôi liền nhìn quanh một lượt. Sau đó, đập ngay vào mắt tôi là một cô bé có làn da trắng trẻo, đôi mắt to tròn, làn môi mỏng như cánh hoa và thân hình nhỏ nhắn, trong lòng tôi thầm cảm thấy ghen ăn tức ở vì trong phòng thi lại có đứa dám xinh đẹp hơn mình. Rồi lại càng bất ngờ hơn khi cuối cùng cô bé xinh đẹp nhưng lạnh lùng ấy lại học chung một lớp thời trang với tôi, hồi đầu năm nhất Mai bé rất ít nói, em không chơi quá thân với hội này hội kia, thỉnh thoảng giờ ra chơi chúng tôi cứ thấy Mai thui thủi một mình, vậy là cuối cùng nhờ Hiền mà Mai xích lại gần với nhóm chúng tôi hơn, và bây giờ đây thì tôi không còn thấy ghen tị với Mai nữa, thay vào đó, tôi luôn cảm thấy thích thú mỗi khi ngắm nhìn nét đẹp giản dị nhưng cuốn hút của cô bé ấy- một chút lạnh lùng, một chút kiêu sa, đôi lúc lại hồn nhiên, cũng vô cùng nhí nhảnh.



Càng chơi thân, tôi càng nhận ra nhóm chúng tôi, ai cũng có một chút điên rồ. Không biết nói thế này thì có phải nói quá hay không… nhưng mà sao tôi cứ có cảm giác như là do tôi với Hiền lây cho mấy đứa nó. Tính cái Nhi ngày trước lạnh lùng, ít nói và tiểu thư lắm, nay cũng đỡ nhiều rồi, thân thiện và hòa đồng với mọi người hơn, thậm chí còn hay chủ động mở xới chơi tá lả nữa. Quyên thì vẫn thế, con bé này lúc nào cũng mỉm cười, không bao giờ tỏ vẻ sang chảnh với ai cả, ở trong lớp Quyên cũng được rất nhiều bạn quý mến. Hiền thì khỏi nói rồi, ngoài khoản mít ướt và quá nhạy cảm ra thì Hiền gần như là một bản sao thứ hai của tôi. Chúng tôi điên giống nhau, nói lắm giống nhau, hay làm trò lố với nhau, thích ăn như nhau, đồng bóng giống nhau (Hiền đồng bóng hơn), ranh ma quỷ quyệt nhưng lại hay giả vờ ngây thơ bò đeo nơ giống nhau, dễ tổn thương, hay nghĩ cho người khác và cũng thích làm phức tạp những vấn đề đơn giản lên… giống nhau. Nói chung là tôi với Hiền giống nhau ở nhiều điểm lắm. Còn Mai bé, cô gái khiến tôi luôn nghĩ rằng em ấy không biết đùa, rất nghiêm túc và ít nói, cuối cùng lại điên gần bằng tôi với Hiền, dạo này Mai bắt đầu “bị” giống tôi, hay diễn kịch, hay làm trò lố một cách quá khích. Bởi vậy mà tôi mới hay vỗ ngực tự hào gọi Mai là “đại đệ tử” của mình.



Tất cả những người bạn của tôi, mỗi người một tính cách, là những mảnh ghép riêng biệt, nhưng khi lắp lại với nhau, chúng lại vừa khít thành hình một trái tim nguyên vẹn, mà tôi gọi đó là trái tim tình bạn.

………



Sáng ngày thứ bảy, chúng tôi có một buổi tập trung cuối cùng kết thúc kì quân sự kéo dài một tháng này, nguyên cả sáng ngày hôm ấy, tôi và mấy đứa bạn phải xếp hàng ngồi dưới khoảng sân trường nắng chang chang, thậm chí có dùng ô cũng không sao ngăn nổi ánh nắng xuyên qua tàn phá làn da vốn đã xuống cấp của chúng tôi. Ngồi nghe thuyết trình được một hồi lâu thì thầy Tiến cuối cùng cũng lên khuấy động phong trào văn nghệ cây nhà là vườn, chỉ một lát sau, mỗi lớp đã cử ra được ít nhất là một bạn lên hát. Lớp tôi tạm thời vẫn đang trong thời kì ngủ đông, mặt đứa nào đứa nấy đều cúi rụp xuống, trốn kỹ đằng sau chiếc ô không che nổi nửa người, cắm mặt vào điện thoại vờ như không biết.



Kết thúc chương trình là màn độc thoại của một anh chàng bị khuyết tật bẩm sinh, theo mắt tôi nhìn thì anh ấy cao ước chừng 80cm, vậy mà trong kì thi bắn súng vừa rồi anh ấy vẫn xuất sắc đạt được số điểm tuyệt đối, khiến tất cả mọi người đều ngưỡng mộ và thán phục. Thử nghĩ mà xem, một anh chàng cao 80cm cầm một cây súng CKC dài 1mét2 thì có đáng khâm phục không cơ chứ! Bài diễn văn đều đều của anh ấy lúc đầu không thu hút được mấy người nghe, nhưng càng lắng nghe, chúng tôi càng như chìm đắm trong những suy nghĩ chứa đựng thật nhiều tình cảm sâu sắc của anh ấy. Cho đến bây giờ thì cũng đã quá lâu rồi, thật sự tôi không còn nhớ nổi toàn bộ bài diễn văn anh đọc hôm ấy nói về những gì nữa, duy chỉ có một đoạn cứ đọng trong đầu khiến tôi tâm đắc mãi.



“Có thể đối với nhiều bạn, cuộc sống ở đây thật khắc nghiệt và khổ cực, nhưng đối với tôi, đây là một quãng thời gian sống vô cùng có ý nghĩa. Ở nơi đây, tôi đã nhận thấy được sự thay đổi tích cực rõ rệt từ một số người bạn xung quanh mình, từ những cô bạn tiểu thư ban đầu còn không biết cầm cái chổi quét sân như thế nào, nhưng vẫn hăng hái học hỏi tham gia lao động công bằng với mọi người, từ những cậu bạn hằng ngày ham chơi thường xuyên bỏ học, nay cũng chủ động xung phong canh gác trại xuyên đêm. Có thể đối với các bạn, những hình phạt như đi nhổ cỏ đêm khuya hay đứng hàng giờ dưới mưa, dưới nắng thực sự khắc nghiệt, nhưng đối với tôi, nó là sự trải nghiệm, là những kỉ niệm mà sau này khi chúng ta trưởng thành, khi chúng ta nhớ lại, chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy phải hối tiếc. Sau này, khi các bạn ra ngoài xã hội kia, sẽ còn rất nhiều những khó khăn vất vả, những sóng gió cuộc đời còn gian nan khổ cực gấp nhiều lần những hình phạt mang tính rèn luyện kỉ luật như thế này. Tôi tin rằng, khi đó bạn sẽ nhớ lại cuộc sống ở nơi đây, nơi mà các bạn đã được rèn luyện tính tự giác, tinh thần trách nhiệm cao độ, nó giống như một bước đệm đầu đời giúp các bạn thoát ra khỏi cái vỏ bọc che chở của ông bà cha mẹ vậy…”



Tôi vừa nghe, vừa cay cay khóe mắt, chẳng biết chóp mũi đã đỏ lựng lên từ bao giờ rồi. Lúc tôi vô tình quay lại nhìn mấy đứa bạn, thấy cái Quyên cũng đang chăm chú ngước mặt lên nghe, nhưng hai con ngươi thì đã đong đầy nước mắt. Tôi không rõ là mình đang buồn hay đang vui nữa, cảm giác lẫn lộn đến khó tả. Có lẽ tôi cảm thấy được sự đồng cảm, sự đồng cảm trong từng lời nói của anh chàng khuyết tật mạnh mẽ đáng khâm phục ấy. Đúng như anh ấy nói, những hình phạt, những kỉ luật khắt khe ở nơi này đối với tôi chẳng là gì, thậm chí đối với tôi, đây còn là một cuộc sống bình dị nhất… khi tôi có thể ngày qua ngày thoải mái ăn, ngủ, nghỉ, học hành, chơi đùa với bạn bè mà không phải lo mấy giờ thì đi học về, ăn cơm được trong bao lâu, chợp mắt mấy phút thì đã phải đi làm, rồi lại đến tối mịt mới được trở về nhà để hoàn thành nốt bài tập trên lớp. Nhiều lúc tôi thấy chán ngán cái cuộc sống tẻ nhạt ấy đến tận cổ, nhưng tôi lại không có quyền từ bỏ nó, vì nó là cuộc sống của tôi, tôi sinh ra đã ở trong cuộc sống ấy và tôi làm gì có quyền chọn lựa. Điều duy nhất mà tôi có thể làm là luôn cố gắng vươn lên, để giành lấy một tương lai tươi sáng hơn cho bản thân mình sau này. Chỉ đơn giản vậy thôi!



Dù tôi có muốn sống mãi ở nơi đây đến thế nào thì sau hôm nay tất cả cũng buộc phải kết thúc, sau ngày hôm nay, tôi lại phải quay trở về với cuộc sống cũ. Cuộc sống giống như một guồng quay không ngừng nghỉ, chỉ cần buông tay ngày hôm nay, ngày mai, ta sẽ phải làm lại từ đầu.   



………..





Trưa hôm đó, sau khi kết thúc buổi tập trung cuối cùng, chúng tôi trở về phòng trong tâm trạng vô cùng khó tả, chẳng biết vui hay buồn. Thế rồi đến khi nhìn thấy mặt cái Ánh đang đần thối ra ngồi giữa nhà, chúng tôi lại vội vàng chạy xúm lại hỏi. Ngày hôm nay trước khi đi tập trung, mỗi phòng đều phải để lại ít nhất một người trông phòng, và cái Ánh đã tình nguyện làm “người gác cửa” ấy. Thế nhưng không hiểu sao lúc đi thì hồ hởi, lúc về lại ngẩn người ra như thế này.



Thấy tóc con bé hơi ươn ướt, quần áo thì đã được thay bộ mới, mặt vẫn đần ra không nói được câu nào, chúng tôi liền nhao vào hỏi.



-         Ánh ơi! Làm sao mà mặt mày xanh lét thế?



Đang ngồi thẫn thờ thì được mọi người hỏi thăm, hình như chúng tôi đã vô tình đụng vào đúng nỗi kích động của nó, vậy là con bé đột nhiên òa lên khóc.



-         Ôi mọi người ơi! Mọi người có biết em vừa trải qua chuyện gì không… Hu hu hu…



Nó vừa nói, vừa mếu máo không thành tiếng khiến chúng tôi lại càng tò mò hơn.



-         Nói từ từ thôi. Mà em vừa tắm đấy à? Sao lại thay quần áo thế này?



-         Vâng… Em vừa phải kì cọ… tắm như một con điên luôn… Kì mãi mà vẫn không thấy hết bẩn. Xin lỗi mọi người nhé… Em tắm hết nước dự trữ rồi…



-         SAO LẠI THẾ!!!



Cái Nhi gào lên trong tức tối, át cả tiếng khóc của con bé.



-         Hu hu hu… Mọi người đừng mắng em… Nếu là em thì mọi người cũng thế thôi…



-         Thế rốt cuộc là làm sao?



-         Vừa nãy… em đang đi vệ sinh… thì tự dưng… cái bồn cầu nó sôi ùng ục lên… rồi cứt từ bên dưới đột ngột phọt cả lên đầu em… Chị ơi… em ngất…



Ánh vừa nói, nói giật cục, cứ cách một câu nó lại “hức hức” một câu, rồi đến câu cuối thì bất ngờ òa lên khóc khiến bọn tôi phải ngã ra cười, dù thương đến mấy cũng không thể nhịn nổi cười, vừa cười vừa thấy lạnh cả người vì tởm.



Cái Quyên lúc đó cũng vừa húp được miếng mìa liền nôn ra gần hết.



-         Eooooo! Kinh vãiii!!!



-         Trời ơi! Kinh dã man! Thế ngất luôn tại chỗ hả em!!!



-         Mẹ ơi tao không dám đi ẻ ở trong đấy nữa đâu. Tí ai xuống căng tin cùng tao mua thêm cái bô mà ẻ trong nhà đi. Hu hu!



Chúng tôi vừa nói, vừa ngã ra nhà, ôm bụng cười quặn quại, cười rớt cả nước mắt, chỉ khổ thân cái Ánh, mặt vẫn xanh lét, đờ đẫn chưa hoàn hồn. Cảnh tượng này thật có chỉ gọi là “kẻ khóc người cười”.





…………



Chiều hôm ấy khoảng bốn rưỡi, sau khi nước nôi, quần áo, sách vở, tất cả các vật dụng cá nhân thuê của trường trước đó đều được đem đi trả hết, cuối cùng chúng tôi cũng được đường đường chính chính trở về nhà mình. Lúc ngồi trên chiếc xe khách cũ kỹ quen thuộc mọi lần, nhưng không hiểu sao lần này trong tôi mang tâm trạng khác hẳn. Vẫn là con đường quen thuộc đến và đi vào chiều thứ bảy hàng tuần ấy, vẫn là những ngôi nhà mái ngói thưa thớt phảng phất mùi khói bếp hòa quyện trong cái nắng chiều tản mạn, vẫn là những cánh đồng lúa bát ngát trải dài đến tận chân trời, thi thoảng đập vào mũi tôi lại là mùi của những bãi phân tươi “mát rượi”, vẫn là những vệt nắng hoàng hôn loang lổ lúc chiều tà, là ánh mắt trời dịu dàng đang trốn lấp ló đằng sau bụi tre làng, là con đường dài gồ ghề sỏi đá… Vẫn là tất cả những hình ảnh quen thuộc ấy đang hiện ra trước mắt, nhưng giờ đây sao tôi lại thấy lưu luyến đến thế.



Ngồi trên chiếc xe khách rung rinh, thỉnh thoảng lại xóc lên sòng sọc, Hiền bám chặt vào tay tôi, thủ thỉ nói.



-         Sống ở đây một tháng rồi, bây giờ tự dưng một đi không trở lại, cũng thấy tiếc tiếc thế nào ý chị nhỉ!



-         Ừ… Tự dưng chị lại nhớ tới lời thầy Tiến nói hôm chúng mình mới nhập học, giờ thấy cũng không sai. Dạo này chị còn bắt đầu bị nhiễm thói quen tắm trong chậu rồi đấy!



-         Ha ha! Em cũng thế. Toàn múc nước từ trong chậu ra tắm. Chả hiểu sao luôn!



-         Buồn cười nhỉ! Sống ở đây mới có một tháng mà đã như thế rồi, chẳng hiểu sống lâu hơn thì sẽ thổ dân ra sao nữa.



Tôi vừa nói, vừa đưa hai tay lên cao đan vào nhau, rồi ngả mình tựa vào ghế, nhắm mắt lại thầm mỉm cười.



-         Thôi ngủ đi. Thức thêm tí nữa là chị lại bị say xe đấy Che ạ!



-         Ừ! Thôi chị ngủ đây.



Nói rồi, tôi liền từ từ nhắm mắt lại ngủ, cánh cửa sổ khoang tôi ngồi được mở toang để gió bên ngoài lùa vào cho thông thoáng, thi thoảng trong giấc mơ của tôi, những lũy tre làng rung rinh ngả mình trước gió, những ánh mắt trời lấp ló đằng xa, những cánh cò vạc bay lên xào xạc, mùi khói bếp ban chiều hòa lẫn với mùi phân trâu tản mạn… thỉnh thoảng vẫn sộc vào mũi tôi… không làm sao quên được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét