Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Để em cưa anh nhé - Chương 4: Giá trị của những bữa cơm sum vầy

Chương 4: Giá trị của những bữa cơm sum vầy


Sáng thứ hai là buổi sáng đầu tiên trong tuần, vẫn như thường lệ, sau khi thuê bảng và mua giấy xong xuôi, tôi lại cùng mấy đứa bạn trong nhóm lóc cóc chạy lên lớp cho kịp giờ học. Vậy mà khi vừa mới bước chân đến cửa lớp, tiếng thầy giáo dạy hình họa đã vang lên sang sảng từ bên trong, đánh một tiếng sét đùng đoàng khiến tôi chao đảo cả chân tay.

 “Đầu tháng sau lớp mình chuẩn bị tham gia khóa huấn luyện quân sự năm nay của trường mình nhé! Sẽ vui lắm đấy! Cái này là môn học bắt buộc, không ai được bỏ trốn đâu!”

 Giọng thầy vang lên thật hồ hởi, nhưng từng âm thanh lại nặng tựa ngàn tấn, như nhấn chìm tôi xuống, khiến hai bờ môi của tôi cứ hết mở ra rồi lại ngậm vào, định nói gì đó nhưng lại thôi vì xung quanh đã quá đỗi ồn ào rồi. Kể từ lúc thầy vừa ban hành thông báo, cả lớp tôi cứ nhốn nháo hết cả lên, đứa thì vui mừng, đứa lại kêu gào khổ sở. Bản thân tôi cũng chính là một trong những đứa cảm thấy khổ đến mức chả buồn kêu ấy.

 Khi thầy vừa mới ra khỏi lớp, cả nhóm chúng tôi liền tụ họp nhau lại, bàn xem sắp tới sẽ phải mang theo những gì, kế hoạch dành cho đầu tháng tới lập tức được vạch ra rạch ròi từng bước một. Giả dụ như, nhóm chúng tôi có cả thảy năm người, mà mỗi phòng ở khu quân sự thì lại quy định phải chứa đủ tám người, suy ra, nhóm chúng tôi vẫn còn thiếu những ba người nữa. Vậy, rút cục ba người nào sẽ tham gia ở cùng chúng tôi trong suốt một tháng tới đây?

 Khó nghĩ thật. Năm chúng tôi đã chơi thân với nhau từ đầu năm nhất, thế mà nhắc tới chuyện ở chung, đứa nào đứa nấy còn đều nhăn mặt, thế mà bây giờ lại còn phải ở với ba cô bạn mới không biết tính khí ra sao… thật chẳng biết có thể hòa hợp được với nhau nổi một tuần đầu hay không nữa. Vì thế, chuyện chọn người ở chung là rất quan trọng.


 Tuy nhiên, chuyện khiến tôi lo lắng trước mắt tuyệt nhiên không phải là chuyện chọn bạn ở chung, mà là- tiền. Một tháng tới, nghĩ đến cái cảnh sẽ mất công việc, không được đi làm, không kiếm ra tiền, lại còn phải chi một đống tiền cho việc ăn ở và học phí quân sự nữa. Chỉ nghĩ thôi tôi cũng đã thấy ong hết cả thủ rồi. Bởi vậy mà thay vì cười nói hồ hởi như lũ bạn, tôi lại chỉ có thể cười nhạt. Nụ cười hết sức gượng gạo, giả tạo chưa từng thấy.

 Kết thúc buổi học ngày hôm ấy, tôi lập tức lôi điện thoại ra, gọi cho chị Trâm, nhờ chị giúp đỡ. Chị Trâm là một người có kinh nghiệm làm việc dày dạn, lại quen biết rộng nên tôi nghĩ chị ấy có thể giúp tôi tìm một công việc ngắn hạn nhưng lương khá nào đó để tranh thủ kiếm tiền trong ba tuần trước khi đi quân sự này. Quả nhiên không làm tôi thất vọng, chỉ một lát sau chị đã tìm được công việc mới cho tôi, đó là làm PG cho một thương hiệu bia thuyền thống của Hà Nội- hãng bia Trúc Bạch. Chương trình tiếp thị kéo dài trong 3 tuần, mức lương bốn triệu rưỡi. Vậy là quá ổn. Tôi lập tức gật đầu!

………

Ngày đầu tiên đi làm thử việc, tôi được phân công đến một nhà hàng khá sang trọng, điều đầu tiên tôi nhận thấy ở nơi đây là thái độ từ chủ cho đến nhân viên đều hết sức lịch sự. Ngày đầu tiên làm việc suôn sẻ, tôi nhanh chóng thích ứng với công việc mới và cũng dễ dàng lấy được lòng của mọi người nhờ sự thân thiện của mình.

Công việc của tôi chính xác là đứng chào khách, xếp bàn cho họ và khéo léo giao tiếp để mời họ sử dụng sản phẩm bia của mình. Xong xuôi thì sẽ phải đứng rót và phục vụ- gần như là bồi bàn vậy!

Song, vì mới làm nên tôi còn khá gượng, ngoài việc nhanh nhẹn chạy loăng quăng giúp mọi người ra thì tôi vẫn chưa mời được lưu loát cho lắm. Thậm chí, lúc bị mấy ông khách chạc tuổi bố mình trêu bằng những lời lẽ khiếm nhã, cổ họng tôi vẫn trực trào lên chút cảm giác ấm ức. Nhưng tất nhiên, tôi vẫn cố nhịn và mỉm cười thật tế nhị đối với những lời mời đi uống nước hoặc xin số điện thoại.

Ngày đầu tiên đi làm tuy thuận lợi nhưng cũng đủ để cho tôi nhận ra rằng, công việc này mặc dù lương cao, giờ làm ít, nhưng sự phức tạp của nó thì cũng tỉ lệ thuận theo tất cả những điều đó vậy.


 Công việc tiếp thị của tôi kết thúc vào lúc tám giờ tối, sau một ngày làm việc thuận lợi, cả người tôi rã rời, cổ họng thì khản đặc vì phải nói luôn miệng và di chuyển luôn chân luôn tay, tuy nhiên, tôi vẫn thấy rất hài lòng vì ngày làm việc của mình hôm nay. Trên đường trở về nhà, không hiểu thơ thẩn thế nào, tôi lại “lỡ tay” rẽ ngoặt sang phía đường Chùa Bộc- nơi mà Long đang sửa chữa cửa hàng. Mặc dù lúc này cơ thể đã mệt lả, người thì vẫn ám đầy mùi thức ăn, nhưng suy nghĩ muốn ghé qua đó ngắm anh một lát khiến tôi không sao ngăn mình lại được. Cuối cùng, khoảng gần tám rưỡi, tôi đã chính thức có mặt ở đó sau khi vòng ngược lên Vincom để mua hai cốc caféHighlandvà vài cái bánh ngọt rồi mới vội vã quay trở lại cửa hàng. Trên đường đi, lòng tôi không khỏi thầm suy nghĩ, giờ này chắc chắn Long vẫn chưa ăn tối… Cái con người không biết yêu bản thân đó, lúc nào cũng hì hục làm việc đến tối muộn, mười một- mười hai giờ đêm cũng chưa chắc đã chịu đi ăn, hôm nay mình nhất định phải ép hắn ăn cho bằng hết mới được!

Tôi vừa nghĩ, lại vừa thầm mỉm cười khúc khích. Thật ra từ trước đến nay bản thân tôi cũng chưa từng thể hiện sự quan tâm của mình đối với người khác giới nào nhiệt tình đến như vậy cả. Vậy mà đối với Long, dường như tất cả những gì trước kia tôi chưa từng có cơ hội làm, nay, tôi đều muốn đem ra thử dành cho anh ấy hết.

 Ngày hôm nay, rút kinh nghiệm từ lần tập kích hụt hôm trước, tôi quyết định đi đường vòng qua khu chợ, vì như thế sẽ không phải lướt qua trước cửa hàng nữ mà anh đang tu sửa. Dừng lại ở cửa hàng nam, cách nơi anh đang làm việc khoảng tầm chục mét, tôi lập tức gọi thằng Minh- người mai mối tôi cho Long, và cũng là nhân viên đắc lực của anh ra rồi nhét ngay thức ăn vào tay nó, hớn hở nhắc nó phải chờ tôi đi khuất rồi mới được mang đồ sang cho Long. Vừa nói xong, tôi liền lập tức phóng vụt đi, không quên đưa một tay lên che lấy mặt để tránh trường hợp sẽ đụng độ Long trên con đường phía trước. Thế nhưng, thật đúng là người tính vẫn không bằng trời tính. Lúc phóng xe chầm chậm lướt qua cửa hàng nữ, nơi Long đang thi triển tay nghề “thợ mộc” của mình, tôi vừa đi, vừa tranh thủ đánh mắt chằm chặp nhìn vào bên trong ô cửa kính, nơi có mấy em ma-nơ-canh đang đứng chống nạnh kiểu cách bên ngoài vỉa hè, thì bất thình lình… Long quay ngoắt mặt ra…

Một phút cho màn tưởng niệm bắt đầu…

Giây phút khi bốn con mắt chạm nhau, hai trái tim cũng như ngừng đập, tôi vội vàng rồ ga lao như điên về phía trước, bỏ mặc tiếng Long gọi í ới vang lên ầm ĩ từ đằng sau.

Trời ơi! Sao có thể mất mặt như thế này được! Nếu không chạy nhanh thì kế hoạch của tôi sẽ bung bét hết! Xấu hổ quá đi mất thôi! Hu hu.

Tôi vừa đi, vừa cười, vừa khóc, cũng không rõ là mình đang cười hay đang khóc… Cho đến khi tiếng bước chân của Long bám theo đằng sau tôi đã dần trở nên thưa thớt, tôi mới từ từ quay mặt lại nhìn thì phát hiện ra anh đã đành bỏ cuộc. Nhìn dáng vẻ lều khều của Long đang đứng gập cả lưng xuống, thở dốc không ra hơi, tự dưng tôi lại cảm thấy lương tâm cắn rứt. Sao lại bắt một người con trai dặt dẹo như cái cà kheo chạy thục mạng như thế cơ chứ? Thôi, quay lại vậy.

 Thấy tôi chầm chậm dừng xe lại, Long bỗng ngước mặt lên, rồi lại tiếp tục gắng sức chạy lên thêm một đoạn nữa, cho đến khi chạm mặt ở nơi tôi đang đứng, anh mới bất ngờ đập cho tôi một cái “cốp” vào mũ bảo hiểm để trả đũa.
 -         Em đi đâu đấy?

Đứng trước câu hỏi thông thường của Long, khuôn mặt tôi bỗng đỏ ửng lên như quả gấc vì xấu hổ. Không thể nói là em qua đây chỉ để ngắm anh một lát được, như thế thì mất giá lắm! Thôi được rồi, láu cá một chút vậy. Thế là tôi liền liến thoắng nói dối.

-         Em qua chơi với thằng Minh.

 -         Hừm. Chứ không phải qua tìm anh à!

 Long vừa nói, vừa lấy hai ngón tay búng nhẹ vào chiếc mũi đang chun lên của tôi một cách rồi cao giọng phê bình.

-     Em ăn mặc cái kiểu gì thế này? Như đắp chăn ra đường!

À vâng… Tiện thể, xin giới thiệu- tôi đang mặc trên mình một chiếc áo tự may tự thiết kế, nó rất to, kiểu áo cánh dơi rộng thùng thình, dài đến tận ngang đùi, dáng mullet trước ngắn sau dài, họa tiết hình bông tuyết cách điệu trông như một chiếc khăn thổ cẩm có tác dụng thay cho đắp chăn ra ngoài đường. Hết sức có ích mà!

Trong khi tôi còn đang cong môi lên đính chính với Long về tác dụng đa năng của chiếc áo thì đột nhiên, bóng dáng thằng Minh từ xa dần dần bước tới. Tôi giật nảy mình, nghĩ đến việc nếu đứng đây tám nhảm thêm chút nữa thì sẽ hỏng hết bánh kẹo nên tôi liền giục anh trở về cửa hàng còn mình thì vội vàng phóng vụt đi. Long chỉ kịp kêu “Ớ” lên một tiếng thì tôi đã lặn mất tăm rồi!

 Một mình phóng xe vù vù trên con đường ngược chiều gió, cái lạnh của mùa đông như cấu vào da thịt nhưng cũng không đủ để ngăn nổi những tiếng cười khúc khích của tôi vang lên thật ngớ ngẩn. Cứ nghĩ đến vẻ mặt chưng hửng của Long lúc đó là tôi lại không sao nhịn nổi cười, rồi không biết sau khi nhận đồ từ Minh, Long sẽ nghĩ ra sao nhỉ? Lý do tôi đến đây vốn đâu phải chỉ để gặp cậu bé ấy.

 Thì ra mang lại niềm vui bất ngờ cho người khác cũng khiến bản thân mình cảm thấy hạnh phúc thật đấy chứ nhỉ!

 Vậy mà trước nay tôi chưa từng thử, nên cũng không hề biết…

……

 Khi tôi trở về nhà thì đã là gần chín giờ, lúc này, cả nhà chẳng có ai ngoài thằng Quân đang chơi điện tử trên tầng ba cả. Sau khi tháo giày xong xuôi, tôi liền chạy thục mạng lên phòng mình, rồi vội vàng đóng sầm cửa lại, hí hoáy lôi ngay điện thoại ra để kiểm tra tin nhắn. Có ba cuộc gọi nhỡ và một tin nhắn mới, tất cả đều từ số của Long. Mừng quá đi mất thôi!

 Tôi vừa cười, vừa ôm lấy chiếc điện thoại, hớn hở mở ra đọc tin nhắn mới.

“Sao anh gọi mãi mà không được? Cảm ơn em nhé! Bánh rất ngon, nhưng café thì đắng quá! Hu hu!”

 Café đắng á? Tôi nhớ là mình đã nhắc cô nhân viên không dưới hai lần là phải cho thêm nhiều đường rồi cơ mà? Hay là mình nhầm lẫn ở đâu…

Vội vàng lôi túi xách ra lục lại, tôi mới ngớ người khi phát hiện ra hai gói đường màu đỏ vẫn còn được nhét một cách cẩn thận ở trong ngăn giữa. Thì ra đúng là do mình bất cẩn. Sao mà tôi đãng trí thế không biết!

 Vừa nghĩ, tôi lại vừa gõ vào đầu mình vài cái cho đỡ bực, rồi xin lỗi Long rối rít, thế nhưng, anh lại bất ngờ tuyên bố: “Nhưng mà anh thích đồ nấu ăn hơn cơ!”

Nghe xong, tôi bỗng ngẩn người.

Đồ tự nấu á?...

Huhmmm…

Nấu ăn…

Thật ra thì tôi cũng biết nấu ăn, nấu cũng không phải là tệ, nhưng chưa thể đánh giá là ngon được. Mùa hè vừa rồi, vốn tôi cũng đã định dành thêm thời gian để học một lớp nữ công gia chánh, nhưng từ khi bố về, ông kiên quyết tranh hết việc nhà của tôi,chẳng cho tôi đụng vào bất cứ một việc nào hết. Ông còn nói: “Con vừa đi học, vừa đi làm là quá đủ rồi! Để dành thời gian rảnh mà nghỉ ngơi đi. Bố chưa đi làm gì cả, mấy việc vặt vãnh này để bố lo!” Lúc đó tôi mới biết, những điều mẹ từng nói… rằng tuy bố đã hết tình cảm với mẹ nhưng vẫn còn rất thương chúng tôi… Điều đó đúng là sự thật!

…..

 Hơn chín giờ tối ngày hôm ấy, sau khi tắm rửa sạch sẽ xong xuôi tôi mới lọ mọ xuống nhà để ăn cơm. Nhìn mâm cơm được đậy vung cẩn thận, thức ăn mỗi thứ mẹ đều phần lại cho tôi một ít, tôi cảm động lắm!


Ngồi ăn cơm một mình, tuy dễ chịu… nhưng nói thật là cũng rất tủi thân. Cũng đã khá lâu rồi, tôi không phải ngồi ăn một mình như thế này. Thật ra việc bố về sau mười tám năm xa nhà, đâu đó trong tôi cũng coi đấy là một điều may mắn. Tính ông hiền hòa, vui vẻ chứ không đáng ghét như những gì tôi đã từng tưởng tượng. Trong bốn tháng vừa qua, ông quyết tâm thay đổi mọi quy tắc, phá vỡ gần như tất cả những thói quen cũ trong gia đình. Ba mẹ con tôi vốn có lối sống rất phản khoa học, thật ra là chúng tôi đều học từ mẹ, mẹ tôi không thích dậy sớm, thế nên bà thường cho phép chúng tôi ngủ nướng đến trưa vào tất cả những ngày được nghỉ học. Giờ ăn cơm, vì mẹ có thói quen dồn hết những giận dữ trong một ngày vào bữa ăn, vào dạ dày đang sôi lên ùng ục của chúng tôi… vậy nên hai chị em quyết định hùa nhau không chịu ngồi ăn cùng mẹ nữa, và bà cũng tỏ ra vô cùng hài lòng với điều ấy. Bà nói rằng cảm thấy rất thoải mái khi được ăn xong trước một giờ, sau đó mới gọi chúng tôi xuống đánh chén nốt phần còn lại. Tất nhiên, mẹ toàn cố tình để lại cho chúng tôi những miếng thịt ngon nhất, những lát rau xanh tươi nhất, còn phần đầu thừa đuôi thẹo… mẹ lặng lẽ “chiến” hết.

 Có lần, tôi đã rất bực mình sau khi phát hiện ra chuyện ấy và trách mẹ: “Còn đầy thịt nạc đây sao mẹ không ăn mà cứ ăn mỡ thế! Nhỡ mang bệnh vào người thì sao?”

 Mặc kệ tôi nhăn mặt trách móc, mẹ vẫn cứ kiên quyết giằng ăn những thứ thừa thãi như thế, rồi khăng khăng nói rằng đó là thói quen của mẹ, mẹ thích như thế, tôi đừng xen vào.

 Đấy… Mẹ cứ bảo thủ như thế…tôi không sao khuyên được. Cho đến một ngày, mẹ bất ngờ lên cơn đau bụng quằn quại, cả người tôi lặng đi khi nghe bác sĩ báo tin mẹ bị viêm ruột thừa cấp tính. Lúc chờ mẹ trong phòng mổ, tôi đã cố gắng giữ mình thật mạnh mẽ… Bởi vì lúc đó tôi là trụ cột, không có bố, cũng chẳng có ai, một mình gánh cái trách nhiệm làm chủ gia đình, lo cho mẹ nằm viện, lo cho em ôn thi đại học. Tôi dằn lòng không khóc, tuyệt đối không để cho người khác nhìn thấy vẻ ngoài yếu đuối của mình. Vậy mà lúc đi lấy thuốc cho mẹ, tôi vẫn phải trốn vội vào một góc khuất nơi gầm cầu thang, khóc nấc lên ngặt nghẽo, mọi thứ trước mắt cứ dần nhòa đi như một bức tranh loang lổ. Càng nghĩ càng thương mẹ, lại phải tự đấm ngực nhắc mình phải kiên cường, lúc đứng dậy bước ra khỏi gầm cầu thang cũng là lúc tôi đã kìm được nước mắt buộc phải lắng xuống, hong khô nó bằng gió trên mỗi bước chân tôi đi. Kể từ ngày đó, tôi gần như trở thành trụ cột thứ hai trong gia đình.

Những ngày ở trong bệnh viện, nhìn hơi thở mẹ yếu ớt xanh xao, khuôn mặt buồn phiền nhưng ánh lên nét dịu hiền hiếm có ở người phụ nữ tính nóng như lửa là mẹ, lòng tôi bỗng thắt lại. Giá như ngày ấy chị em tôi đừng hùa nhau bỏ bữa, giá như mẹ chịu nghe lời tôi đừng ăn những thứ thiu thừa…

Cũng kể từ ngày hôm đó, mẹ bắt đầu chịu nghe những gì mà tôi khuyên hơn, mẹ chịu để yên cho tôi giành ăn mỡ hay gặm xương, bởi vì tôi khỏe. Bản thân tôi cũng cảm thấy may mắn vì mình có một cơ thể rất khỏe mạnh. Tôi ít khi ốm lắm! Thậm chí tôi còn có thể vừa đi học vừa làm việc quần quật như một cái máy vậy.

Còn nhớ năm tôi thi trượt đại học lần đầu tiên, hồi đó tôi mới mười bảy tuổi, khi nhận được thông báo thi trượt, mẹ đã chỉ thẳng vào mặt tôi mà nói như thế này: “Bảo mày thi văn mày lại tự ý thi vẽ. Không nghe lời tao đời mày chỉ có xuống địa ngục! Kể từ này đời mày mày tự quản, tao không thèm đếm xỉa nữa!”

 Mẹ tôi rất thật thà, bà nói là làm, vậy là kể từ đó trở đi, bà hoàn toàn không cho tôi thêm một đồng một cắc nào hết. Tuy nhiên, chuyện đó đối với tôi cũng chẳng phải là một trở ngại gì đáng kể, ngược lại, nó còn giúp tôi có cơ hội sớm trưởng thành hơn. Khoảng vài ngày sau, tôi bắt đầu lao đi tìm việc làm, may mắn mỉm cười khi tôi được nhận vào làm tại một cửa hàng thời trang nữ, tiền kiếm được hàng tháng thường được chia đều để đóng tiền học và lo tiền ăn. May mà cũng không phải lo nốt tiền nhà…

Tôi ốm cũng chẳng ai lo, ho càng chẳng có người chăm sóc. Nhiều lúc quá bận rộn, mọi thứ quay cuồng khiến tôi kiệt quệ, chỉ muốn ngất lịm đi trong một thời gian ngắn để không phải suy nghĩ gì thêm về cái cuộc sống bộn bề này nữa… Thế nhưng, những lúc đó, thay vì an ủi, mẹ lại chỉ lườm và nói rằng: “Mày đang làm trò à? Cái loại trâu bò như mày thì làm gì biết mệt!”.

 Khi nghe những lời nói nhẫn tâm đó, cảm giác hai hàng nước mắt lạnh ngắt cứ kéo nhau lăn dài trên thái dương rồi thấm nhuần xuống mặt gối, âm ẩm suốt cả đêm khi tôi nằm thở thoi thóp một cách thật tuyệt vọng. Những lúc đó, tôi vô cùng uất hận, cũng nhiều lần tự hỏi lòng: “Mẹ ơi! Liệu con có phải là con ruột của mẹ? Bạn bè con chúng nó được mẹ yêu thương lắm! Nhưng… tại sao mẹ lại đối xử với con tàn nhẫn như thế này?!”…

Ghen tị- chính là cảm giác lúc tôi sang nhà bạn bè chơi, nhìn chúng nó được bố mẹ cưng chiều, âu yếm.

Ghen tị- khi nhìn mẹ đối xử với em trai khác xa mình cả nghìn dặm.
Cũng đều là con mẹ đẻ ra cả đấy!
Sao mẹ lại đối xử với hai chị em tôi bằng thái độ hoàn toàn khác nhau vậy?

Những suy nghĩ ấy đã ăn mòn vào trong tiềm thức của tôi, khiến tôi luôn nghĩ rằng mẹ không hề yêu thương tôi. Nhiều lúc uất hận, tôi lại càng phải tự nhủ rằng nếu không ai yêu mình thì tự mình phải yêu lấy mình, sau này nhất định phải sống thật hạnh phúc, thật thành công để những người đã từng ghẻ lạnh tôi phải hối hận.

 Thế nhưng, thật ra càng lớn, tôi lại càng nhận ra một điều rõ ràng là… không phải bà không thương chúng tôi. Mẹ nào mà chẳng thương con? Quan trọng là cách thể hiện của mỗi người khác nhau thôi. Thì ra mỗi tối, mẹ vẫn lẳng lặng đi mua thuốc về cho tôi uống, nhưng lại không đưa trực tiếp cho tôi, chỉ lẳng lặng vứt toẹt lên mặt bàn như của bố thí, khiến tôi thật không biết phải giận hay cảm động.  

 Có thể mẹ tôi rất nóng tính, cục cằn, thậm chí còn hay nói tục nữa, nhưng mẹ vẫn là mẹ đẻ của hai chị em tôi. Con cái thì không có quyền chọn lựa cha mẹ. Vậy nên tôi lại càng không thể đòi hỏi mẹ phải dịu hiền hay nhẹ nhàng như những người mẹ khác. Mẹ vẫn yêu thương chúng tôi- theo một cách riêng biệt. Và càng lớn, tôi lại càng dễ dàng thông cảm với cách thể hiện ấy hơn… cho dù đôi lúc nó vẫn làm tôi cảm thấy hơi nhói lòng và tủi thân.

Thời gian sau này, khi tôi bắt đầu lao ra ngoài xã hội, học hỏi được những bài học cuộc sống từ trường đời, hiểu được những gánh nặng cơm áo gạo tiền mà một tay mẹ phải gồng gánh suốt mười tám năm qua, càng ngày, tôi lại càng thấy thương mẹ hơn. Gia đình tôi vốn không có đàn ông, chỉ có duy nhất một cậu em trai. Nhưng nó lại rất trẻ con, thấy tôi đi làm vất vả mà không muốn bươn trải, nói rằng trước sau đằng nào mà chẳng phải đi làm, chờ sau khi tốt nghiệp đại học sẽ làm đúng cái nghề mình theo đuổi là được rồi, cần gì phải học hỏi nhiều ngành nhiều nghề cho mất thời gian như tôi làm gì?

 Cậu em của tôi vẫn còn non nớt lắm…

Nhưng tôi thương nó, vì bố tôi xa nhà từ lúc nó mới sinh ra. Ít ra thì tôi cũng được sống cùng với bố trong hai năm đầu tiên của cuộc đời, chứ không phải vừa mới sinh ra đã chẳng biết mặt bố như nó. Có lẽ cũng chính vì điều đó mà nó không hận ông nhiều như tôi, không thù ông dai như tôi.

 Bốn tháng về trước khi ông đột ngột trở về nước, người đầu tiên ông muốn gặp chẳng phải mẹ hay em trai, mà lại chính là tôi. Vậy nên, ông đã lén lút nhờ các bác của tôi tạo cơ hội để hai bố con bí mật gặp nhau vào lúc đêm hôm khuya khoắt. Chẳng hiểu sao lúc các bác cứ úp úp mở mở, tôi đã ngầm đoán ra sự thật. Thế mà khi thực sự được nhìn thấy ông sau mười tám năm xa cách, trái tim tôi vẫn không khỏi vỡ vụn ra bởi những mảnh ghép uất hận và căm phẫn. Tôi đứng chết trân trong một căn phòng nhỏ, khuôn mặt đóng băng, cũng chẳng rõ là đang khóc hay đang cười.

Ngày hôm đó, tôi kiên quyết không nhận bố, em trai tôi thì lại càng không. Em trai tôi- một thằng bé sống cực kỳ nội tâm đã phải mở miệng nói rằng: “Có quen biết gì với nhau đâu mà phải giận? Biến đi!”.

Thế nhưng, sau bốn tháng, mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi, giờ đây tôi nhận thấy sự xuất hiện của bố đã trở thành điều hiển nhiên trong cuộc sống của nó, duy chỉ đối với bản thân tôi là vẫn chưa thể thực sự thích nghi. Tất cả những gì mà tôi thể hiện ra ngoài mặt, như là gọi ông bằng bố, như là cười nói thân thiện… tất cả đều chỉ là giả dối. Giả dối- đó giống như một thói quen mà cuộc sống này đã dạy cho tôi phải làm vậy. Không tin được ai thì buộc phải giả dối thôi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét