Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Dám yêu - Chương 1: Tôi sinh ra không hoàn hảo

Chương 1: Tôi sinh ra không hoàn hảo


Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nền nếp, thực ra đó chỉ là vẻ ngoài mà thôi. Bố tôi là cán bộ công chức nhà nước, mẹ tôi đã bỏ bố đi năm tôi 1 tuổi, thứ duy nhất còn xót lại của mẹ là một tấm hình nhàu nát bị cắt làm đôi mà bà ngoại còn giữ lại, sau đó vì muốn có người chăm sóc tôi và anh trai mà bố tôi đi bước nữa, mẹ kế của tôi là một giáo viên. Bà ấy không thể có con cái cũng chưa từng lập gia đình. Vì thế, đó là lựa chọn mà phù hợp với bố tôi nhất. Có lẽ, ông hoàn toàn đúng khi đi bước nữa mà không chờ đợi mẹ tôi nữa, ông cũng không cất công đi tìm.

Mẹ tôi là một người đàn bà đẹp, theo những gì tôi hình dung được từ tấm ảnh cũ kỹ và những câu chuyện của bà ngoại. Bố tôi và mẹ lấy nhau theo sự sắp đặt từ phía hai bên gia đình. Trước những năm 80, bố tôi được cử đi Nga học, sau đó ông về nước và lấy mẹ tôi. Hai bên xui gia đã dấm giúi trước với nhau vì thế đã có một đám cưới được tưởng chừng hạnh phúc như bao đám cưới khác. Mẹ tôi trước đó đã có người yêu nghe nói đó là một kỹ sư quê ở tỉnh Hà Bắc, nhưng gia đình ông bà ngoại tôi không đồng ý vì khoảng cách địa lý quá xa cách, đó là lí do được bà ngoại nói lại, nhưng có người khác nói với tôi là vì nhà bà ngoại tôi chê chú đó quá nghèo. Hơn nữa, bố mẹ tôi là người Vĩnh Phú ông bà ngoại muốn con gái lấy chồng gần để được nhờ cậy khi tuổi già. Mẹ tôi đã gạt nước mắt, gạt bỏ cả niềm tin, tình yêu để lấy người mình không yêu làm chồng rồi sinh ra chúng tôi. Sau khi sinh tôi một năm thì mẹ tôi bỏ đi, khi đó anh tôi 5 tuổi. Ai cũng trách cứ mẹ tôi vì đã bỏ con cái để ra đi, bỏ lại đứa con thơ còn khát sửa, nhưng riêng tôi vẫn còn một niềm tin âm ỉ, tôi vẫn tin rằng mẹ tôi có nhiều lý do để làm thế.

Cho đến khi nhận thức được mình là đứa con được bỏ lại và phải sống với mẹ kế. Nhưng tôi vẫn tôn thờ tình yêu của mẹ tôi như một câu chuyện tình yêu đầy lãng mạn mà chẳng hề có kết thúc có hậu. Những năm tháng nghỉ hè, tôi được cho về chơi nhà bà ngoại 1 tuần, được ngủ trong căn phòng của mẹ, được mở những trang giấy mẹ viết, những lá thư của người đàn ông kia gửi cho mẹ. Tôi bỗng có cảm giác rằng, chính bố tôi mới là người đã cướp đi hạnh phúc của họ chứ không phải là ai khác. Tự dưng, trong lòng tôi lại có một tâm tư mơ hồ rằng ông đáng phải chịu một kết cục như vậy. Đó là những gì mà những ý nghĩa tự dưng cứ thế len lỏi vào đầu tôi khi tôi đã biết đọc những gì còn sót lạị.

Gia đình tôi không hoàn hảo như bao người khác nhưng bố tôi với cái sỹ diện của một người đàn ông vẫn cố gắng cứu vớt lấy cái thể diện ông và của gia đình. Sau khi mẹ tôi bỏ đi, ông chuyển từ thành phố về để đến vùng núi Yên Lam này công tác, rồi sau đó lấy mẹ kế. Chúng tôi bề ngoài là một gia đình rất hạnh phúc, có thể thế nhưng, thẳm sau trong trái tim tôi, tôi biết, tôi chưa bao giờ hiểu được hạnh phúc thực sự là gì.

Bố tôi luôn lầm lũi và ít gần gũi các con. Quy tắc của ông là nếu chúng tôi làm sai ông sẽ dùng đến roi vọt để dạy bảo. Anh trai tôi thừa hưởng điều này từ bố tôi nên cũng lì lợm ít nói. Anh chỉ cắm đầu vào học hành, dường như cũng có một ý nghĩ giống tôi là một ngày nào đó sẽ thoát khỏi gia đình này, thoát khỏi bố tôi, những trận đòn đau, mẹ kế và những lời răn đe được tua đi tua lại.



Phải nhắc đến mẹ kế của tôi. Bà ấy bị mắc bệnh nói nhiều và nói dai. Ngoài ra bà ấy còn là một người mang chủ nghĩa tôn thờ bố tôi quá mức. Có hai quy tắc, một là: Mọi lời bố tôi nói đều đúng. Hai là: Nếu điều thứ hai sai thì hãy xem lại điều thứ nhất. Mẹ kế tôi rất sợ bố tôi, bà luôn sợ ông nổi cáu, sợ món ăn nấu không hợp khẩu vị, sợ quần áo không được là lượt, sợ ông buồn phiền vì chúng tôi… Nói chung, bố tôi luôn luôn là duy nhất, luôn luôn là số một với bà ấy.

Lần đầu tiên nhìn thấy mẹ kế là năm tôi 3 tuổi. Bề ngoài bà mang dáng vẻ một người phụ nữ nhanh nhạy, biết ăn nói. Bà lấy lòng tôi và anh trai ban đầu bằng những thứ mà trẻ con đều yêu thích. Bà dành cho chúng tôi những lời lẽ ngọt ngào chỉ khi có bố tôi ở đó. Tôi nhận ra cái vỏ ngoài hờn hợt của bà bởi những gì mà trẻ con cảm nhận thường là thật nhất. Phía sau bố, mẹ kế và anh em chúng tôi là những bộ mặt thật được phơi bày.

Với hai anh em chúng tôi, bà ấy đối xử theo kiểu “trách nhiệm”. Có nghĩa là không yêu thương cũng không ghét bỏ, không đánh đập nhưng cũng chẳng tử tế. Hàng ngày, bà ấy có nhiệm vụ báo cáo lại mọi thứ liên quan đến chúng tôi. Vì bố tôi luôn là cả thế giới của bà ấy, nên mẹ kế của chúng tôi không thích bố con chúng tôi quá thân thiết, bởi nếu chúng tôi thân thiết bà ấy sẽ có cảm giác như người thừa. Khi chúng tôi có xảy ra chuyện gì hoặc mong muốn gì đều phải thông qua mẹ kế nói với bố. Mọi mâu thuẫn giữa mẹ kế và con chồng. Bố tôi sẽ là người đứng ra phân xử. Chỉ có điều, tôi vẫn không hề cam lòng. Tôi vẫn trách cứ vì sao ông thản nhiên không hề níu kéo mẹ tôi ở lại.



Việc giáo dục tôi hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ kế. Tôi vẫn phải gọi là “mẹ” thay vì “dì” như những bà mẹ kế khác. Đơn giản vì bố tôi muốn thế, ông muốn quá khứ của ông đã từng có một người vợ bỏ đi không ai biết đến. Những giáo dục bài bản nhất cho một đứa con gái đều được truyền đạt tôi phải tuân theo nếu như không muốn nhừ đòn, tôi được học đi học lại những qui tắc, rồi cả những kĩ năng nữ công gia chánh mẹ kế cũng cố nhồi nhét vào bất luận tôi có thích hay không vì bố tôi ra chỉ thị cho bà phải làm vậy. Nếu không, ông sẽ sử dụng đến vũ lực.

Khi tuổi dạy thì tôi lớn phổng phao, cao hẳn lên và ra dáng thiếu nữ, họ cảm thấy lo lắng nên bắt tôi học tối ngày và đưa đón đúng giờ. Sau bao nhiêu nỗ lực của bố tôi và mẹ kế, tôi cũng trở thành đứa con ngoan trò giỏi Rồi cấp 3 trôi qua, vẫn là những tháng ngày như thế, điện thoại hay tụ tập bạn bè bố đều cấm tiệt. Tôi bước vào đại học với ngôi trường mà bao người mơ ước, bố mở ra cho tôi tương lai sáng lạn. Đôi khi tôi còn đặt ra một câu hỏi cực kì nực cười: học để làm gì? Tôi cũng chẳng biết học để làm gì nữa.

Việc giáo dục tôi trở thành một đứa con ngoan biến mẹ kế trở thành người có công đầu trong việc “đào tạo” vì thế bà ấy tin rằng bố tôi sẽ yêu bà ấy hơn. Có thể bà ấy vẫn đang ảo tưởng như vậy và ra vẻ dọa nạt tôi. Nhưng tôi cũng biết, có lần, tôi thấy bố thở dài khi nhìn tấm ảnh của mẹ trên bàn học của tôi.

Nghĩ lại tôi cảm thấy cũng thương mẹ kế một chút, bởi vì sau bao nhiêu năm bước chân về nhà bà ấy phải nuôi nấng hai đứa con không phải con mình, giáo dục chúng mà không được đánh mắng, sao cho chúng phải ngoan, nghe lời mà không mang tiếng là con chồng mẹ ghẻ. Nếu tôi đặt ở vị trí đó, chắc chắn, tôi sẽ bỏ đi bởi lẽ sống với bố tôi kèm theo những quy tắc của ông thực sự là một cực hình.

Ít ra, tôi cũng phải cảm ơn mẹ kế một phần, vì nhờ có bà, mà bố tôi đã có một gia đình thực sự như ông mong muốn.

Sau nhiều năm dược dạy dỗ bởi roi vọt, vẻ ngoài ngoan hiền được ngụy trang giấu đi bản chất là đứa bướng bỉnh và liều lĩnh, khiến cho mọi người nhìn vào tôi với vẻ chuẩn mực. Tôi là đứa con gái ngoan, nấu nướng chợ búa, may vá, đan lát đều thành thạo cả. Học lực ở trường của tôi nhờ bố tôi kèm cặp mà chưa bao giờ đứng dưới top 3. Thêm cả việc tôi đỗ vào một ngôi trường danh giá top đầu cũng khiến cho bố vui mừng quá đỗi khi sinh ra được đứa con gái tài năng đến thế. Nhưng không ai quan tâm đến cảm xúc thật của tôi. Tôi chúa ghét nấu nướng, nhưng vẫn răm rắp làm theo đơn giản đó là việc phải làm, tôi cũng chúa ghét việc phải tỏ ra một hình mẫu lí tưởng cho đám con nít anh em họ hàng nhìn vào. Tôi cũng phải “noi gương” anh trai và nghe lời anh ấy nói như mệnh lệnh. Tôi cũng ghét mẹ kế với cái cách đối xử giả tạo yêu thương.

Tôi học được tất cả những điều “giả tạo” ấy từ chính giá đình tôi, tôi thản nhiên cam chịu, thản nhiên chấp nhận và cũng thản nhiên đấu tranh. Tôi lầm lũi và cố tình né tránh va chạm để có được sự yên ổn tạm thời. Và đôi khi, trong những tháng ngày tuổi 20, tôi tin rằng, tôi đang sống cho người khác chứ không phải sống cho mình.

Tôi đã sống những tháng ngày như thế, với nỗi đau sâu kín, với khát khao một gia đình thực sự.

Tôi đã sống những tháng ngày như thế, với những yêu thương không trọn vẹn, và những vết thương dường như còn âm ỉ được ngụy tạo bằng vỏ bọc đẹp đẽ bên ngoài.

Tôi đã ước, có một ngày, sẽ không còn có bố tôi, những quy tắc của ông, những trận đòn, cũng không có mẹ kế, không có những lời dọa nạt của bà. Tôi sẽ sống cuộc đời của riêng tôi mà không hề sợ hãi bất cứ ai cũng không phải giữ thể diện cho ai. Tôi sẽ có thể sống cuộc đời của mình và tôi sẽ đi tìm mẹ.

Tôi đã ước, có một phép lạ là câu chuyện tình còn dang dở của mẹ tôi sẽ không phải chìm ngập trong nước mắt, dù có thể không xuất hiện trên đời này tôi cũng sẽ cam lòng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét